Home Introvert, bạn là ai? 4 tính cách hướng nội: Bạn thuộc nhóm nào?

4 tính cách hướng nội: Bạn thuộc nhóm nào?

---
Những mô tả phổ biến về người hướng nội không thể cho ta cách hiểu toàn diện về tích cách hướng nội vì không phải tất cả người hướng nội đều giống nhau.

by Mai Ly

Bạn có thể đã nhận ra mình là người hướng nội dựa trên những đặc điểm chung phổ biến – kiểu người trầm lặng, hay suy nghĩ, hơi xa cách và cứng đầu. Những mô tả này về người hướng nội không thể cho ta cách hiểu toàn diện về tích cách hướng nội vì không phải tất cả người hướng nội đều giống nhau. 

Các loại tính cách hướng nội

Là một người hướng nội không có nghĩa là bạn có tất cả tính cách này và không có tất cả tính cách kia. Các nhà tâm lý học cho rằng những người hướng nội thường ở đâu đó giữa giữa trên thang đo. Một số người sống nội tâm hơn những người khác. Có người thì ở ngay giữa thang đo mà chúng ta gọi là người hướng trung (ambivert). Những người hướng nội thường có xen lẫn một vài đặc điểm hướng ngoại và ngược lại, điều đó cũng đúng với người hướng ngoại.

>>> Xem thêm: Hướng nội là gì? Bạn có phải người hướng nội?

Có bốn loại tính cách hướng nội riêng biệt. Đặc điểm chung lớn nhất của các nhóm tính cách hướng nội này là họ đều bị tiêu hao năng lượng khi ở bên người khác và bình năng lượng sẽ được sạc lại khi ở một mình. Ngoài điểm chung này, họ có thể có những tính cách rất khác nhau.

Nếu bạn đã từng tự hỏi tại sao bạn lại khác với những người hướng nội khác, hay đôi khi nghi ngờ liệu mình có thực sự hướng nội hay không, thì nội dung dưới đây sẽ giúp ích cho bạn đấy.

1. Social Introvert – Hướng nội xã hội

Đọc tên gọi chắc hẳn bạn đang nghĩ một người hướng nội “xã hội” là một người hướng nội… hướng ngoại thích giao tiếp xã hội phải không? Thực chất, social introvert là loại tính cách hướng nội điển hình mà chúng ta vẫn hay nghĩ đến. Đó là người chỉ thích đi chơi với một vài người tại một thời điểm hoặc đôi khi họ chỉ thích ở một mình. Thay vì tiệc tùng cùng bạn bè vào cuối tuần, người có tính cách hướng nội xã hội muốn ở nhà và chơi món game yêu thích, đọc sách, nghe nhạc hoặc xem Netflix. Tất nhiên, điều này không phải vì bạn nhút nhát hay lo lắng về việc phải giao tiếp, bạn chỉ đơn giản là muốn tận hưởng không gian một mình hoặc bên cạnh vài ba người bạn thân mà thôi.

Năng lượng người hướng nội khi giao tiếp
Người hướng nội nhanh chóng cạn kiệt năng lượng khi xung quanh có quá nhiều người

2. Thinking Introvert – Hướng nội suy nghĩ

Giống như tên gọi, một người hướng nội “suy nghĩ” là người sống nội tâm, hay suy nghĩ và hay tự phản ánh tư. Người này hay mơ mộng và thích chìm đắm vào trong thế giới tưởng tượng của họ. Không giống như những người hướng nội xã hội, thinking introvert có thể đi chơi với bạn bè của họ cả cuối tuần nhưng sau đó dành tối Chủ nhật một mình để viết nhật ký, nghĩ miên man hoặc thiết kế một cái gì đó.

người-hướng-nội-đang-suy-nghĩ
Người hướng nội suy nghĩ thường suy nghĩ và tự phản tư

3. Anxious Introvert – Hướng nội lo lắng

Khác với hai nhóm trên, nhóm tính cách hướng nối lo lắng khiến bạn tránh giao tiếp xã hội vì bạn cảm thấy không thoải mái về bản thân khi tiếp xúc với người khác. Đây là những người không tự tin lắm vào các kỹ năng xã hội của họ. Thật không may, sự lo lắng của họ không giảm đi khi họ ở một mình, bởi vì họ thường có xu hướng suy ngẫm, lặp đi lặp lại nhiều ý nghĩ tiêu cực trong tâm trí, hay tự hỏi điều gì có thể hoặc đã xảy ra. Chẳng hạn như, điều đáng xấu hổ mà họ đã làm cách đây 5 năm vẫn còn ám ảnh họ cho đến ngày nay.

Người đang suy nghĩ và lo lắng
Anxious Introvert thường hay lo lắng và không tự tin lắm vào các kỹ năng xã hội của họ

4. Restrained Introvert – Hướng nội kiềm chế

Bạn có nhảy ra khỏi giường, sẵn sàng bắt đầu ngày mới? Bạn có hào hứng với một ngày thật bận rộn không? “Tôi sẽ thử bất cứ điều gì một lần!” có phải là phương châm của bạn?

Nếu vậy, có lẽ bạn không phải là người hướng nội kiềm chế. Restrained introvert có xu hướng từ tốn chậm rãi trong hành động. Họ có thể mất một lúc để bắt đầu. Họ thích suy nghĩ thật kỹ trước khi nói hoặc hành động. Họ không thích thú với việc tìm kiếm những trải nghiệm và cảm giác mới hoặc thú vị. Đôi khi họ có thể cảm thấy uể oải và thiếu năng lượng.

Restrained introvert có xu hướng từ tốn chậm rãi trong hành động

Cách xác định bạn thuộc loại tính cách hướng nội nào

Mỗi người có thể có một chút đặc điểm của nhóm này, một ít đặc điểm của nhóm kia. Để biết bạn thuộc hay thiên về nhóm tính cách hướng nội nào, hãy trả lời các câu hỏi sau bằng cách điền vào chỗ trống bên cạnh con số tương ứng thang điểm sau:

1 = Hoàn toàn không đồng ý

2 = Không đồng ý / Không đặc trưng

3 = Trung lập

4 = Đồng ý / Tương đối đặc trưng

5 = Rất đồng ý

1. Hướng nội xã hội

__ 1. Tôi thích dành thời gian trong những dịp đặc biệt với chỉ một hoặc một vài người bạn thân, hơn là tổ chức những lễ kỷ niệm lớn.

__ 2. Tôi sẽ rất hài lòng nếu tôi có nhiều người bạn thân.

__ 3. Tôi cố gắng sắp xếp thời gian trong ngày của mình để tôi luôn có thời gian cho bản thân.

__ 4. Tôi thích đi nghỉ ở những nơi có nhiều người xung quanh và có nhiều hoạt động diễn ra.

__ 5. Sau khi dành nhiều giờ tiếp xúc với nhiều người, tôi thường rất muốn đi ra khỏi đám đông.

__ 6. Tôi không có nhu cầu ở gần người khác nhiều.

__ 7. Ở gần những người khác và tìm hiểu về họ là một trong những điều thú vị nhất.

__ 8. Tôi thường thích làm mọi việc một mình.

__ 9. Những người khác có xu hướng hiểu lầm tôi bởi vì tôi không chia sẻ nhiều về bản thân mình.

__ 10. Tôi cảm thấy kiệt sức sau những lần giao tiếp xã hội, ngay cả khi tôi thật sự thấy thích khoảng thời gian đó.

2. Hướng nội suy nghĩ

__ 1. Tôi thích phân tích những suy nghĩ và ý tưởng của tôi về bản thân.

__ 2. Tôi có một đời sống nội tâm phong phú và phức tạp.

__ 3. Tôi thường xuyên nghĩ xem mình là người như thế nào.

__ 4. Khi tôi đang đọc một câu chuyện hoặc cuốn tiểu thuyết thú vị hoặc khi tôi đang xem một bộ phim hay, tôi tưởng tượng tôi sẽ cảm thấy thế nào nếu những sự kiện trong câu chuyện xảy ra với tôi.

__ 5. Tôi hiếm khi nghĩ về bản thân.

__ 6. Tôi thường chú ý đến cảm xúc bên trong mình.

__ 7. Tôi coi trọng sự tự đánh giá của cá nhân tôi, tức là ý kiến ​​cá nhân của tôi về bản thân.

__ 8. Đôi khi tôi lùi lại (trong tâm trí) để quan sát bản thân tốt hơn.

__ 9. Tôi hay mơ mộng hay nghĩ về những điều có thể xảy ra với tôi.

__ 10. Tôi thiên về nội tâm, tức là thường tự mình phân tích bản thân.

3. Hướng nội lo lắng

__ 1. Khi bước vào phòng, tôi thường trở nên thu mình và cảm thấy ánh mắt của người khác đang hướng về mình.

__ 2. Suy nghĩ của tôi thường tập trung vào những giai đoạn trong cuộc đời mà tôi ước gì mình sẽ ngừng suy nghĩ về nó.

__ 3. Hệ thống thần kinh của tôi đôi khi yếu ớt đến mức tôi phải cố tự mình thoát ra.

__ 4. Tôi tự tin về các kỹ năng xã hội của mình.

__ 5. Thất bại hoặc thất vọng thường khiến tôi xấu hổ hoặc tức giận, nhưng tôi cố gắng không thể hiện ra.

__ 6. Tôi không mất nhiều thời gian để vượt qua sự nhút nhát của mình trong những tình huống mới lạ.

__ 7. Tôi cảm thấy thoải mái ngay cả trong những tình huống xã hội không quen thuộc.

__ 8. Ngay cả khi ở trong một nhóm bạn, tôi thường cảm thấy rất cô đơn và bất an.

__ 9. Những suy nghĩ, cảm xúc và hành động bí mật của tôi có thể khiến một số bạn bè của tôi kinh ngạc.

__ 10. Tôi cảm thấy tủi thân vô cùng khi ở cạnh những người xa lạ.

4. Hướng nội kiềm chế

__ 1. Tôi thích chạy bộ ngay khi thức dậy vào buổi sáng.

__ 2. Tôi sẽ thử mọi thứ ít nhất một lần trong đời.

__ 3. Để thư giãn, tôi thích sống chậm lại và làm mọi thứ từ tốn.

__ 4. Tôi thích nỗ lực hết sức.

__ 5. Tôi thường nói ra điều đầu tiên xuất hiện trong đầu.

__ 6. Tôi thường tìm kiếm những trải nghiệm và cảm giác mới mẻ và thú vị.

__ 7. Tôi thích bận rộn mọi lúc.

__ 8. Tôi thường hành động theo ý muốn.

__ 9. Đôi khi tôi làm những điều “điên rồ” chỉ để trở nên khác biệt.

__ 10. Tôi thường cảm thấy uể oải.

Cách tính điểm

Để tìm ra điểm của bạn cho từng loại trong số bốn kiểu hướng nội, hãy gán các điểm số với các con số đảo ngược như sau: (1 = 5) (2 = 4) (4 = 2) (5 = 1) – nghĩa là nếu ở câu đó bạn chấm 5 điểm thì điểm số đảo sẽ là 1 và cứ tương tự như vậy:

  • Các điểm số dành cho hướng nội xã hội: 2, 4, & 7
  • Các điểm số dành cho hướng nội suy nghĩ: 5
  • Các điểm số dành cho hướng nội lo lắng: 4, 6 & 7
  • Các điểm số dành cho hướng nội kiềm chế: 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8 và 9

Tiếp theo, cộng tất cả các số lại với nhau để có tổng điểm.

Tương ứng với tổng số điểm, chúng ta sẽ xác định được bạn thiên về nhóm tính cách hướng nội nào hơn:

  • Hướng nội xã hội – mức độ thấp nếu dưới 24, trung bình khoảng 30, cao nếu tổng trên 36
  • Hướng nội suy nghĩ – dưới 28 là mức thấp, khoảng 34 là mức trung bình, trên 40 là mức cao
  • Hướng nội lo lắng – mức độ thấp nếu tổng điểm dưới 23, trung bình khoảng 30, cao nếu trên 37
  • Hướng nội kiềm chế – dưới 25 là mức kiềm chế thấp, trung bình khoảng 31, mức cao nếu trên tổng điểm 37

Khi bạn tìm ra được mình thuộc loại tính cách hướng nội nào, bạn hãy cảm thấy vui khi đã hiểu thêm về bản thân mình thông qua quan điểm của lý thuyết tính cách. Cho dù bản chất bạn là hướng nội Xã hội, Suy nghĩ, Lo lắng hay Kiềm chế, bạn luôn có thể làm chủ được cuộc sống của mình.

Tham khảo:

  1. https://blogs.scientificamerican.com/beautiful-minds/what-kind-of-introvert-are-you/
  2. https://introvertdear.com/news/science-says-there-are-4-kinds-of-introverts/

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms