Nếu là người hướng nội, chắc hẳn bạn đã không ít lần gặp phải những lầm tưởng sau từ người xung quanh về bản thân bạn: người hướng nội nhút nhát, trong khi người hướng ngoại tự tin và thích giao tiếp; người hướng nội thà ở nhà hơn là đi dự tiệc, trong khi người hướng ngoại là trung tâm của sự chú ý. Nghe có vẻ quen đúng không nào?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu 5 lầm tưởng chính xung quanh tính cách hướng nội nhé.
1. Người hướng nội không thích mọi người
Định kiến này khiến người ta nghe có vẻ như những người hướng nội không thích ngồi tán gẫu với ai đó. Hoặc là ngôi nhà lý tưởng của họ phải nằm trên một ngọn hải đăng biệt lập ở một hòn đảo xa xôi.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Illinois đã phát hiện ra rằng người hướng ngoại và hướng nội dành cùng một khoảng thời gian ở một mình và khoảng thời gian giao tiếp xã hội như nhau. Đặc biệt hơn, những người hướng nội cũng cảm nhận một mức độ hạnh phúc gia tăng tương tự như người hướng ngoại khi đi chơi với người khác.
Vậy thì, nếu những người hướng nội dành cùng một khoảng thời gian để giao tiếp xã hội và có được tâm trạng vui vẻ như người hướng ngoại, tại sao lại tồn tại định kiến này? Nhìn chung, những người hướng nội có khả năng chịu đựng sự kích thích thấp hơn so với người hướng ngoại, bao gồm cả kích thích xã hội. Họ không thích cảm giác bị kiệt sức và choáng ngợp trong các tình huống giao tiếp. Điều này thường bị nhầm lẫn là họ không thích chính các hoạt động đó.
Người hướng nội có những tình bạn thân thiết và những mối tình lãng mạn ý nghĩa như bất kỳ ai khác. Chỉ là, họ có thể cảm thấy mệt mỏi hơn sau một ngày giao lưu bên ngoài. “Một kỳ nghỉ chung với bạn bè có lẽ sẽ rất thú vị đối với một người hướng ngoại, nhưng tôi sẽ cần phải… nghỉ ngơi sau kỳ nghỉ đó, ngay cả khi tôi đã đi cùng những người tôi yêu quý nhất”.
2. Người hướng nội rất nhút nhát
Người hướng nội thường bị gán cho tính từ là “nhút nhát” khi người ta thấy họ ít giao lưu với mọi người hay không ở lại đến cuối cuộc chơi, họ cũng ít nói hơn so với những người hướng ngoại.
Nhút nhát và sống nội tâm không giống nhau, mặc dù biểu hiện có thể trông tương tự nhau. Tính nhút nhát là nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực, giống như một dạng lo âu xã hội, hơn là về sự hướng nội (cách một người sử dụng năng lượng xã hội). Bạn hoàn toàn có thể vừa tự tin và lại vừa cảm thấy tiêu hao năng lượng khi dành thời gian cho mọi người. Thực tế, người hướng nội có thể tự tin như bất kỳ người hướng ngoại nào.
Chúng ta thử lấy ví dụ sau khi xem xét hai đứa trẻ trong cùng một lớp học, một đứa hướng nội và một đứa nhút nhát. Giáo viên đang tổ chức một hoạt động cho tất cả trẻ em trong phòng. Đứa trẻ hướng nội muốn ở lại bàn học của nó và đọc một cuốn sách bởi vì nó cảm thấy chơi với mấy đứa trẻ khác rất mệt và căng thẳng. Đứa trẻ nhút nhát thì muốn tham gia cùng những đứa trẻ khác nhưng vẫn ngồi ở bàn học vì nó ngại tham gia cùng chúng.
Trẻ em có thể học cách để vượt qua tính nhút nhát của mình, nhưng tính hướng nội thì lại là một phần của con người chúng, cũng như màu tóc hoặc màu mắt vậy.
3. Người hướng nội giỏi làm theo sự hướng dẫn hơn là lãnh đạo
Khả năng lãnh đạo liên quan nhiều hơn đến khả năng truyền cảm hứng cho những người xung quanh bạn hơn là mức năng lượng của bạn dựa trên tương tác xã hội. Người hướng nội có thể là nhà lãnh đạo tốt hoặc nhà lãnh đạo tồi. Công việc của họ có thể khiến họ phải tiếp xúc với nhiều người liên tục. Nó sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thúc đẩy doanh nghiệp của họ phát triển, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến mức độ mệt mỏi của họ khi đi làm về mỗi ngày.
Người hướng nội thường là những người có các ý tưởng hay. Họ cũng có thể rất mãnh liệt và đam mê. Những người hướng nội nổi tiếng bao gồm Einstein và Lincoln đều là những lãnh đạo tiến bộ và thông minh. Vì vậy, hướng nội không phải là một bất lợi trong sự nghiệp lãnh đạo của bạn.
4. Người hướng nội không thích tiệc tùng
Người hướng nội có thể cảm thấy bị kích thích quá mức bởi nhiều người và tất cả những thứ đang diễn ra trong một bữa tiệc và có thể cần ở một mình để nạp năng lượng, không phải từ quan điểm lo lắng mà là quản lý năng lượng xã hội.
Đúng là một số người hướng nội ghét các bữa tiệc; trong khi một số khác thì yêu thích các buổi tụ họp thế này. Điểm chung của họ là cả hai đều cần nạp năng lượng khi được ở một mình sau một bữa tiệc. “Tôi là một người hướng nội nhưng bạn bè của tôi liên tục yêu cầu tôi làm MC cho đám cưới của họ. Tôi sẽ làm, và tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ đó, nhưng đừng đến tìm tôi vào ngày sau đó là được” – Anh H.T.Minh, một người hướng nội có kỹ năng nói trước đám đông đầy thu hút chia sẻ.
5. Người hướng nội không phải là đồng đội lý tưởng
Người hướng nội thường không năng nổ khi được yêu cầu tham gia vào các cuộc họp lớn hoặc các buổi động não. Thay vào đó, họ thích làm việc một mình và sau đó chia sẻ những gì họ đã đạt được. Nhưng điều này không có nghĩa là người hướng nội không đóng góp vào thành công của nhóm – họ chỉ có cách làm khác mà thôi. Vì người hướng nội là những người thích lắng nghe, họ thường có thể nắm bắt thông tin mà người hướng ngoại có thể bỏ qua. Vì vậy, khi họ nói, họ sẽ thu hút được sự chú ý và đánh giá cao hơn từ khán giả và nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Hơn nữa, những người hướng nội rất giỏi trong việc lắng nghe và đồng cảm với người khác. Do đó, họ dễ dàng hơn trong việc thúc đẩy các mối quan hệ sâu sắc chân thành với khách hàng và đồng đội của mình.
Nhắn gửi từ Introvert Blooms
Mỗi người đều khác nhau và cần được tôn trọng vì chính sự khác biệt của họ. Tuy nhiên, những người hướng nội thường được xếp vào chung một nhóm với các lầm tưởng khá tiêu cực. Điều này không công bằng đối với bất kỳ người hướng nội nào. Người sống nội tâm không thể được quy vào chung một nhóm với các đặc điểm giống nhau, ai cũng như ai. Một số người hướng nội thích giao tiếp xã hội, có đầy sự tự tin và thậm chí là trở thành những nhà lãnh đạo tài ba. Số khác thì thích được ở một mình, hạn chế giao tiếp xã hội và đôi khi đấu tranh để hòa nhập với đám đông. Cũng có những người hướng nội có sự kết hợp của nhiều khía cạnh khác nhau.
Bạn có thể là người hướng nội và thích tiệc tùng; bạn có thể là người hướng nội và thích trở thành trung tâm của sự chú ý. Điều khiến bạn trở thành người hướng nội là bạn mong muốn có một khoảng thời gian riêng sau đó để sạc lại năng lượng của mình mà thôi.