Home Cuộc sống Nhút nhát thì đã sao? 8 điều tích cực về tính nhút nhát

Nhút nhát thì đã sao? 8 điều tích cực về tính nhút nhát

---
Nếu bạn đã đấu tranh với sự nhút nhát cả đời, thì bạn hiểu ý nghĩa của việc chiến đấu, chịu đựng và vượt qua những cảm giác khó khăn.

by Mai Ly

Tính nhút nhát là cảm giác lúng túng hoặc khó chịu khi có mặt người khác. Hầu hết những người nhút nhát học cách thích nghi với môi trường xung quanh và hoạt động trong một thế giới dường như ưa chuộng tính cách hướng ngoại.

Đồng thời, đôi khi bạn có thể dễ dàng tự hạ mình nếu bạn nhút nhát. “Có vẻ như người khác đang làm tốt hơn bạn về mặt giao tiếp xã hội”. Hẳn bạn đã nhiều lần nghĩ như thế và thầm trách bản thân. Vào những lúc thế này, sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu được một số điều tích cực về sự nhút nhát của mình. Từ đó, bạn có thể chấp nhận tính cách này dễ dàng hơn, “Ừ thì, nhút nhát thì đã sao?” và có được sự bình an trong lòng.

Phân biệt tính nhút nhát và hướng nội

Nhút nhát và hướng nội thực chất không giống nhau. Trong khi tính nhút nhát liên quan đến nỗi sợ bị đánh giá tiêu cực (và đây là một dạng ở mức độ nhẹ của chứng lo âu xã hội), tính hướng nội liên quan đến nhu cầu được ở một mình trong những môi trường yên tĩnh để nạp năng lượng. Đối lập với nhút nhát là cởi mở, trong khi ngược lại với hướng nội là hướng ngoại. Các khái niệm này có vẻ tương tự nhưng bản chất thì khác nhau:

  • Nhút nhát: Sợ bị đánh giá tiêu cực, có xu hướng né tránh.
  • Cởi mở: Có xu hướng chủ động tiếp cận người khác, không sợ khi có nhiều người vây quanh.
  • Hướng nội: Dễ bị kích thích quá mức, cần thời gian ở một mình để lấy lại năng lượng sau thời gian ở bên người khác.
  • Hướng ngoại: Cần kích thích, nạp năng lượng bằng cách dành thời gian cho người khác, cảm thấy mệt mỏi sau khi dành quá nhiều thời gian ở một mình.

Bạn nghĩ mình là kiểu tính cách nào? Rõ ràng là chúng ta không thể phân loại mọi người một cách tuyệt đối, nhưng hầu hết các cá nhân nghiêng về một trong bốn nhóm sau:

  • Hướng ngoại cơi mở (không sợ hãi, cần năng lượng từ giao tiếp xã hội)
  • Hướng ngoại nhút nhát (sợ hãi, cần năng lượng từ giao tiếp xã hội)
  • Hướng nội cởi mở (không sợ hãi, mất năng lượng khi giao tiếp xã hội)
  • Hướng nội nhút nhát (sợ hãi, mất năng lượng khi giao tiếp xã hội)

8 mặt tích cực của tính nhút nhát

1. Sự khiêm nhường của bạn cũng có nét hấp dẫn riêng

Người nhút nhát thường khiêm tốn. Ví dụ như bạn hiếm khi chia sẻ về những thành tích của mình hoặc cho cả thế giới biết những điều tuyệt vời về bạn. Bạn có thể hơi ngại trước những lời khen ngợi hoặc tự xem những đóng góp tính tích cực của mình không có gì đáng kể.

Mặc dù quá khiêm tốn có thể làm mất đi lòng tự trọng, nhưng nếu ở một mức độ vừa phải, nhiều người sẽ bị thu hút bởi đặc điểm này của bạn đấy.

Đồng thời, bạn cần phải lưu ý để không vượt qua ranh giới từ khiêm tốn đến tự ti. Dưới đây là năm mẹo giúp bạn khiêm tốn một cách lành mạnh:

  • Nhận lời khen ngợi một cách hòa nhã
  • Nhận ra những điều bạn đã đạt được thay vì xem đó là nhờ “may mắn”
  • Hãy tự bảo vệ mình nếu bạn cảm thấy mình đang bị lợi dụng
  • Khen ngợi người khác
  • Hãy thực tế thay vì nghĩ rằng mọi thứ đều tốt hoặc đều xấu

2. Bạn suy nghĩ trước khi hành động

Nếu bạn là người nhút nhát hoặc thường lo lắng khi giao tiếp với người khác, bạn sẽ thường suy nghĩ kỹ trước khi nói hay làm gì đó. Đặc điểm này có thể rất hữu ích khi bạn cần đưa ra nhiều quyết định trong cuộc sống. Suy nghĩ cẩn thận và lập kế hoạch trước khi hành động là điều quan trọng giúp bạn vượt qua các trở ngại như:

  • Lập kế hoạch cho những điều bất ngờ
  • Tránh rủi ro không đáng có
  • Đặt mục tiêu dài hạn

Để tận dụng tốt điều tích cực này của tính nhút nhát, bạn nên tiết chế xu hướng suy nghĩ rất lâu trước khi hành động. Nếu nỗi sợ mất cơ hội đang kìm hãm bạn, đôi khi tốt hơn là bạn nên thực hiện từng bước nhỏ và tin tưởng rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Hoặc tin rằng bạn có thể xử lý tốt dù nó không như ý muốn đi chăng nữa.

3. Bạn có vẻ dễ gần hơn

Khi bạn hơi nhút nhát một chút, người khác có thể cảm thấy bạn dễ gần, giúp mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi ở bên bạn. Có điều, quá nhút nhát có thể khiến bạn có vẻ xa cách hoặc sống khép kín. Nếu đây là vấn đề đối với bạn, hãy thử làm điều gì đó đơn giản như mỉm cười hoặc nói “xin chào” với mọi người. Việc này sẽ cho người khác thấy rằng bạn không hoàn toàn tránh né việc giao tiếp mà chỉ là hơi nhút nhát thôi. Khi đó, có thể mọi người sẽ nhanh chóng “bắt sóng” và giúp bạn cởi mở hơn.

4. Bạn có thể giúp người khác bình tâm hơn

Tính nhút nhát của bạn đôi khi có thể có tác dụng xoa dịu đối với những người đang hơi kích động hơn. Mặc dù bạn có thể có những bất ổn trong nội tâm khi là một người nhút nhát, nhưng vẻ ngoài của bạn có thể toát lên sự điềm tĩnh. Sự điềm tĩnh và vẻ mặt “không phản ứng” này có thể có tác động tích cực đến những người xung quanh bạn.

Tuy nhiên, nếu bạn đang thực sự đang cảm thấy không ổn, hãy nhớ rằng đôi khi bạn có thể cần sự giúp đỡ. Nếu sự nhút nhát của bạn khiến bạn phải đeo mặt nạ để che giấu, bạn có thể cởi mở và chia sẻ về điều này với một người mà bạn tin tưởng. Có thể bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều.

5. Bạn kiên cường hơn

Nếu bạn đã đấu tranh với sự nhút nhát cả đời, thì bạn hiểu ý nghĩa của việc chiến đấu, chịu đựng và vượt qua những cảm giác khó khăn. Nếu không có sự đấu tranh chống lại sự nhút nhát, bạn sẽ không có cơ hội phát triển được khả năng đối phó với những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

6. Bạn có thể có một tình bạn sâu sắc

Khi bạn phát triển một tình bạn với ai đó, có thể đó sẽ là một mối quan hệ sâu sắc và lâu dài.

Bởi vì với bạn việc kết bạn là không dễ dàng, nên bạn sẽ càng coi trọng những người bạn mà bạn có được. Thêm vào đó, việc bạn không thích nói chuyện xã giao cũng có nghĩa là những mối quan hệ bạn bè của bạn sẽ không hời hợt.

7. Bạn yêu thích làm việc độc lập

Có nhiều công việc đòi hỏi khả năng tập trung cao và làm việc một mình – đây là môi trường nghề nghiệp lý tưởng cho những người nhút nhát. Không có nhiều ràng buộc xã hội có nghĩa là bạn ít bị gián đoạn phân tâm hơn. Việc của bạn là tập trung làm tốt công việc của mình thay vì phải lo ngại ánh mắt người khác.

8. Bạn có thể cảm thấy những điều tốt trọn vẹn hơn

Nghiên cứu cho thấy não bộ của những người nhút nhát phản ứng mạnh mẽ hơn với cả kích thích tiêu cực và tích cực. Điều này có nghĩa là, bạn thường cảm nhận về các tình huống tích cực trọn vẹn và ý nghĩa hơn. Cảm xúc của bạn với những điều tốt đẹp cao hơn giúp bạn nhận thấy nhiều giá trị hơn trong việc hướng tới các mục tiêu trong cuộc sống.

Nhắn gửi từ Introvert Blooms

Nếu sự nhút nhát hàng ngày không gây trở ngại cho bạn trong việc đạt được mục tiêu của mình hoặc tận hưởng cuộc sống, thì bản thân tính nhút nhát đó cũng có nhiều mặt tích cực đáng yêu.

Tuy nhiên, nếu tính nhút nhát cản trở nghiêm trọng hoạt động hàng ngày của bạn, hãy nhờ sự giúp đỡ của các bác sỹ tâm lý nhé. Không riêng gì bạn, mỗi người trong đời này đều có một nỗi sợ nào đó. Điều quan trọng nhất là chúng ta nhận biết được nó, quan sát nó, chấp nhận nó và cải thiện.

Tham khảo: https://www.verywellmind.com/advantages-of-being-shy-3024704

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms