Người hướng nội ít khi tham gia vào các giây phút nói chuyện xã giao lúc ban đầu cùng người khác. Chúng ta có thể ngồi lắng nghe, quan sát và mỉm cười, nhưng hiếm khi góp vài lời cùng mọi người. Chúng ta thường không biết nói gì và không có hứng thú nói điều gì trong những lúc như vậy.
Vì sao người hướng nội lại không thích trò chuyện xã giao? Và liệu chúng ta có cần phải thay đổi điều này không? Hãy cùng tìm hiểu về các cách nói chuyện xã giao tốt cho người hướng nội nhé.
Vì sao người hướng nội không thích nói chuyện xã giao
Người hướng nội thường cẩn thận với lời nói của mình
Vốn dĩ người hướng nội thích nghiền ngẫm suy nghĩ của mình trước khi nói ra với thế giới (nếu họ có nói). Họ thích dành thời gian sắp xếp suy nghĩ một cách gọn gàng, đảm bảo rằng điều đó xứng đáng được chia sẻ. Không giống như những người sợ giao tiếp xã hội, người sống nội tâm không hẳn là sợ nói, mặc dù một số người có thể hơi nhút nhát. Phần lớn thì, họ chỉ muốn kiểm soát tốt lời nói của mình, chỉ muốn nói ra những điều thật sự hữu ích và có ý nghĩa.
Nói chuyện xã giao không cho phép họ làm điều đó
Những câu nói xã giao (small talk) thì ngược lại vì nó thường xoay quanh những điều vụn vặt, không mấy quan trọng. Các cuộc trò chuyện xã giao cũng thường diễn ra rất nhanh khiến người hướng nội không kịp nghĩ ra một điều gì đó sâu sắc để nói.
Không phải tất cả những nhóm tính cách hướng nội đều tránh tham gia trò chuyện xã giao hoặc không bao giờ có hứng thú với nó. Thực tế, chúng ta vẫn có những người hướng nội nói nhiều. Tuy nhiên, introvert thường mất năng lượng và cảm xúc trong các tương tác xã hội. Thêm vào đó là những cuộc nói chuyện phiếm thế này thường xảy ra trong những môi trường tràn ngập tiếng ồn và sự bận rộn – những môi trường làm kiệt sức những người có tính cách hướng nội điển hình.
Vì vậy, không có gì lạ khi rất nhiều người hướng nội cảm thấy rằng việc ngồi nhà đọc sách hoặc tán gẫu với một người bạn thân là lựa chọn lý tưởng hơn cả. Nếu các cuộc trò chuyện xã giao chỉ trao đổi những thông tin dường như không cần thiết thì tại sao ta phải phí năng lượng của mình?
Ta có nên cởi mở hơn trong các cuộc trò chuyện xã giao?
Dù muốn hay không, một số sự kiện xã hội liên quan đến công việc hay cuộc sống hằng ngày thực chất là một chuỗi các cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt dường như bất tận. Ví dụ, một bữa tiệc vào ngày lễ của công ty chẳng hạn, không ai tham dự để nói các chủ đề nghiêm túc nặng nề cả. Mọi người thường sẽ trò chuyện về những vấn đề vụn vặt và các mẫu trò chuyện có vẻ chẳng có liên kết gì với nhau.
Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng, các bữa tiệc như vậy và các sự kiện xã hội không phải lúc nào cũng lãng phí thời gian. Những cuộc tụ họp này có khả năng mang mọi người lại gần nhau và khởi đầu các mối quan hệ sâu sắc hơn để cùng nhau vươn xa hơn. Trong không ít trường hợp, con đường thăng tiến sự nghiệp có thể bắt đầu từ những sự kiện như thế. Trò chuyện cũng có thể là cánh cửa dẫn bạn đến một tình bạn thân thiết và thậm chí là tình yêu. Ai mà biết được, có thể bạn sẽ gặp Ms. hay Mr. Right của mình trong vài giây phút vui vẻ đó.
Những mẫu trò chuyện phiếm cho phép người tham gia có cơ hội hòa mình vào tính cách của người khác mà không phải đặt nặng quá nhiều thứ khác. Small talk đôi khi là chìa khóa giúp bạn khám phá một người mà bạn có thể trân trọng cả đời.
Vậy, bạn đã sẵn sàng để mở một số cánh cửa như vậy chưa?
Bí kíp bỏ túi dành cho bạn trong các cuộc trò chuyện xã giao
Các chiến lược dưới đây có thể được điều chỉnh để sử dụng trong các bối cảnh khác nhau. Có một số cách chỉ yêu cầu chúng ta thay đổi thái độ, trong khi một số cái khác yêu cầu những hành động cụ thể. Một số cách thì tung cho bạn chiếc phao khi tất cả các cuộc nói chuyện phiếm trở nên quá tẻ nhạt.
Không phải tất cả các chiến lược đều phù hợp với tất cả những ai hướng nội, nhưng có thể một số gợi ý sẽ phù hợp với bạn đấy. Chúng ta chỉ thật sự phát triển khi dám bước ra ngoài vùng an toàn của bản thân, dù chỉ là trong chốc lát mà thôi.
Bí kíp 1: Nói chuyện xã giao không đáng sợ
Bài viết này không yêu cầu người hướng nội phải yêu thích nói chuyện xã giao không. Không hề (và cũng không thể, bạn biết mà). Một số người có thể không bao giờ chủ động tham gia vào những buổi trò chuyện ngắn cho vui. Nhưng không yêu thích điều gì đó không nhất thiết có nghĩa là chúng ta phải sợ hãi nó.
Nghiêm túc mà nói, khi chúng ta sợ một điều gì đó, đôi khi chúng ta phóng đại sự đáng sợ của nó lên. Sau đó, những sự phóng đại như vậy có thể trở thành những lời tiên tri tự ứng nghiệm. Chẳng hạn như, có thể trong lúc ngồi ở đó cùng với mọi người và không tham gia tí nào vào câu chuyện, đầu óc bạn chỉ đang nghĩ mãi một điều: Thật là lãng phí thời gian kinh khủng khiếp. Cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn khó nói chuyện một cách thoải mái trong một buổi trò chuyện.
Hãy nhắc nhở bản thân rằng mặc dù bản năng của bạn không thích điều đó, nhưng việc tán gẫu đôi ba câu tương đối vô hại. Đó là điều mà mọi người vẫn làm và trong hầu hết các trường hợp, tất cả các bên đều sống sót và bình yên mà phải không? Trên thực tế, nó thậm chí có thể trở nên thú vị nữa cơ. Vì vậy, hãy suy nghĩ tích cực hơn về những cuộc trò chuyện này nhé!
Bí kíp 2: Làm cho các cuộc trò chuyện có mục đính
Người hướng nội có xu hướng suy nghĩ nghiêm túc với các chủ đề trò chuyện. Cho nên việc nói về những chuyện vô thưởng vô phạt không hấp dẫn đối với họ. Vậy chúng ta có thể thử xác định mục đích cho các cuộc nói chuyện xã giao. Đó không nhất thiết phải là một mục đích gì to tát, mà có thể đơn giản là muốn gặp gỡ những người bạn mới, hiểu biết hơn về đồng nghiệp hay hợp tác cho công việc làm ăn. Tuy nhiên, những mục tiêu cụ thể như vậy cũng có thể nâng cao kỳ vọng của bạn quá mức.
Nếu bạn không làm quen được người bạn mới hay đối tác mới nào, liệu bạn có thất bại trong mục tiêu mà mình đưa ra? Hãy thoải mái và tiếp tục cuộc trò chuyện, những thứ tốt đẹp luôn có khả năng xuất hiện ngay sau đó. Đừng tạo cho bạn cảm giác thất bại không đáng có. Đừng tạo áp lực cho bản thân, nó có thể chỉ phản tác dụng mà thôi.
Bí kíp 3: Chuẩn bị sẵn sàng nội dung trò chuyện
Nếu bạn chuẩn bị tham gia một sự kiện có nhiều người khác, các cuộc trò chuyện xã giao chắc chắn sẽ xảy ra. Hãy thủ sẵn một số vũ khí cho bạn khi cần. Ví dụ như bạn hãy chuẩn bị một nội dung giới thiệu bản thân ngắn gọn trong vòng chưa đầy 30 giây. Hay bạn có thể nghĩ sẵn một số chủ đề để sử dụng khi giao tiếp với người khác.
Tất nhiên, các chủ đề phải thú vị và dễ dàng thu hút người khác. Nếu đó là chủ đề nhạy cảm, có thể gây tranh cãi hoặc quá mang tính chuyên môn, nó có thể không phù hợp trong những dịp như vậy hoặc không đủ thú vị đối với những người khác. Nếu chủ đề quá chuyên sâu, rất khó để mọi người cùng trò chuyện.
Ngoài ra, sẽ rất hữu ích nếu bạn có thể chuẩn bị sẵn một số câu hỏi – những câu hỏi thể hiện sự quan tâm của bạn đến người khác và từ đó có thể giữ cho cuộc trò chuyện suôn sẻ hơn. “Nếu hôm nay không đến đây thì bạn sẽ làm gì?” “Bạn đã từng đến đây lần nào chưa?” “Những ngày cuối tuần của tôi thường giống nhau. Bạn thường làm gì vào ngày cuối tuần?”… Những câu hỏi thể hiện sự tò mò và quan tâm như thế sẽ giúp hai bên cởi mở hơn nhiều đấy.
Hãy xem thêm một số cách đặt câu hỏi để bạn có thể gợi mở câu chuyện tốt hơn.
Bí kíp 4: Cho phép bản thân mắc lỗi
Đây là bí kíp cho cả người hướng nội và người nhút nhát: Cho phép bản thân mắc lỗi trong một cuộc trò chuyện, bởi mọi người đều vậy cả. Hãy giải phóng bản thân khỏi nhu cầu phải nói điều gì đó hoàn hảo mọi lúc mọi nơi.
Những người thuyết trình trước đám đông đã chia sẻ rằng họ đã vượt qua nỗi sợ sân khấu sau khi họ mắc một hoặc hai sai lầm trước khán giả và nhận ra rằng tận thế cũng chẳng đến do sai sót đó. Thật thoải mái khi hiểu rằng sự hoàn hảo là không cần thiết và rất có thể không có ai tức giận hoặc cười nhạo bạn khi bạn nói điều gì đó nhạt toẹt. Ngay cả khi họ cười, nhiều khả năng họ đang cười với bạn hơn là cười bạn.
Bí kíp 5: Cho phép bản thân ở một mình với các khoảng nghỉ ngắn
Nếu bạn đang tham dự một bữa tiệc hoặc sự kiện và cuộc trò chuyện vẫn tiếp tục diễn ra thêm vài giờ đồng hồ, bạn có thể dành cho mình chút thời gian riêng tư, đi dạo bên ngoài hoặc đứng trên ban công và ngắm cảnh. Vào nhà vệ sinh nghỉ ngơi chốc lát để sạc lại bình năng lượng của mình cũng là một ý, nếu không có nơi nào ở bên ngoài cho phép bạn dạo bộ thư thái.
Sau khi cảm thấy bản thân đã nghỉ ngơi đủ, hãy trở vào trong và tiếp tục với bữa tiệc.
Nhắn gửi từ Introvert Blooms
Nói chuyện xã giao có thể trông chẳng mang lại ý nghĩa gì nhiều, nhưng bạn sẽ không bao giờ biết được nó có thể dẫn đến điều gì trong tương lai. Có bao giờ bạn đã trải nghiệm những khía cạnh thú vị và tốt đẹp của small talk chưa? Một người bạn? Người yêu? Hợp tác làm ăn? Một mục đích sống mới? Một người mentor? Tất cả những điều này có thể bắt đầu từ một cuộc trò chuyện bình thường như thế đấy.
Chúng tôi rất muốn lắng nghe về trải nghiệm của bạn. Hãy để lại bình luận bên dưới nếu bạn có trải nghiệm thú vị nào để giúp những bạn bè hướng nội khác cởi mở và thoải mái hơn trong các cuộc trò chuyện xã giao nhé.