Home Sự Nghiệp Hoá giải nỗi sợ khi phỏng vấn tìm việc

Hoá giải nỗi sợ khi phỏng vấn tìm việc

---
Không cần là một chú thỏ chạy nhanh nhưng mãi chơi và quên mất đích đến, chỉ cần là một chú rùa chậm rãi bước từng bước chắc chắn hướng đến mục tiêu của mình, phải vậy không?

by Mai Ly

Hầu hết mọi người đều thấy các cuộc phỏng vấn tìm việc rất căng thẳng, nhưng nếu bạn là người hướng nội, nó thậm chí có thể trở thành thách thức lớn. Chúng ta hãy cùng xem một số nỗi sợ phổ biến nhất và cách hoá giải chúng để giúp bạn làm chủ cuộc phỏng vấn và tìm được công việc như ý.

“Tôi thường rất hồi hộp trong các buổi phỏng vấn tìm việc”

1. Xem phỏng vấn tìm việc là buổi trò chuyện tìm hiểu

Các cuộc phỏng vấn có thể gây căng thẳng vì chúng ta quá tập trung vào việc tìm được câu trả lời đúng và sợ rằng mình sẽ làm hỏng bét. Để hoá giải nối lo này, bạn hãy coi cuộc phỏng vấn như một cuộc trò chuyện, hơn là một cuộc thẩm vấn. Một khía cạnh quan trọng của quyết định tuyển dụng là xem rằng liệu bạn có phù hợp với tổ chức hay không. Nếu tự nhắc bản thân rằng bạn chỉ đang trò chuyện chứ không phải bị “tra khảo”, bạn sẽ loại bỏ được phần nào sự lo lắng về kết quả.

2. Thay đổi tâm thế – Bạn không “xin” việc

Bạn thấy đấy, tiêu đề bài viết này nhắc đến cụm từ “phỏng vấn tìm việc”, không phải “phỏng vấn xin việc”, dù đọc không thật sự thuận tai (phải chăng vì chúng ta đã quá quen với từ “xin việc” mất rồi). Tìm việc và tuyển dụng là quá trình người có kiến thức – thời gian – kỹ năng và công ty có các vị trí cần kiến thức – kỹ năng đó có phù hợp với nhau hay không. Đây hoàn toàn không phải là quan hệ xin – cho.

Với tinh thần đó, Introvert Blooms muốn bạn nhắc nhở bản thân rằng bạn tham gia phỏng vấn để thu thập thông tin. Từ đó, bạn có thể đưa ra quyết định xem bạn có quan tâm đến vị trí này hay không và liệu môi trường văn hoá công ty có phù hợp với các giá trị và định hướng mà bạn đang theo đuổi không. Điều này thay đổi trọng tâm, giúp bạn bớt cảm thấy ít bị động và phụ thuộc vào quyết định của người khác. Như vậy, nỗi sợ cũng sẽ được hoá giải, nếu không muốn nói là giúp bạn tự tin hơn nhiều với tâm thế chủ động của mình.

3. Phát huy kỹ năng lắng nghe thiên phú của bạn

Một thế mạnh mà hầu hết người hướng nội sở hữu là khả năng lắng nghe của họ. Kỹ năng này cho phép bạn xử lý thông tin và điều chỉnh câu trả lời của mình để phù hợp với những gì bạn tiếp nhận được. Các câu trả lời được suy nghĩ kỹ lưỡng của bạn sẽ khiến bạn trở nên khác biệt so với các ứng viên khác.

4. Chuẩn bị bộ câu hỏi để hỏi người phỏng vấn

Viết ra một số câu hỏi mà bạn muốn hỏi người phỏng vấn – những câu hỏi này có thể là về công ty, công việc hoặc thậm chí là kinh nghiệm và ý kiến ​​của người phỏng vấn. Những điều này sẽ giúp bạn trong việc cân nhắc xem liệu mình có phù hợp với công việc và môi trường ở đó hay không.

5. Đến sớm 15 phút trước buổi phỏng vấn tìm việc

Sự vội vã vì muộn giờ cũng có thể khiến bạn trở nên cực kỳ căng thẳng và tạo ấn tượng không tốt cho buổi phỏng vấn. Thay vào đó, hãy đến sớm trước ít nhất 15 phút để ổn định tâm lý và chuẩn bị tâm thái tốt nhất. Một vài giây phút tịnh tâm trước “giờ G” bằng việc tập trung vào hơi thở của mình sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.

6. Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Chuẩn bị và thực hành câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất một cách thường xuyên sẽ giúp bạn cảm thấy chắc chắn hơn về bản thân và tự tin trong các buổi phỏng vấn tìm việc thật sự. Mẹo luyện tập trước gương tuy hơn cổ điển nhưng chưa bao giờ lỗi thời đấy.

“Tôi không thích khoe khoang”

1. Miêu tả khách quan về thành tích của bạn

Hãy nêu những kinh nghiệm và thành tích của bạn trong công việc trước kèm số liệu thực tế. Đó hoàn toàn không phải là sự khoe khoang. Bạn chỉ đơn giản là mô tả những gì đã xảy ra: những thách thức bạn phải đối mặt, những hành động mà bạn (hoặc team của bạn) đã thực hiện và kết quả đạt được.

Bạn cũng có thể nói về những mặt mà bạn đã được sếp hoặc đồng nghiệp công ty cũ khen ngợi. Bạn chỉ đơn giản là chia sẻ lại về những gì người khác đã nói để nhà tuyển dụng có thêm thông tin và góc nhìn đa chiều.

Ngoài ra, bạn có thể mô tả những thay đổi trong công ty và công việc của bạn từ khi bạn bắt đầu làm việc ở đó cho đến thời điểm kết thúc. Bạn đã đóng góp gì trong sự thay đổi: bạn đã khởi xướng nó, thích ứng với nó hay giúp việc thực thi thay đổi thuận lợi v.v. Bạn hãy dựa trên các sự kiện để cung cấp thông tin.

2. Nói về những phần việc bạn thích và tự hào

Hãy nói về những khía cạnh trong công việc khiến bạn đặc biệt hứng thú, hoặc chia sẻ về bất kỳ thời điểm cụ thể nào khi bạn tự hào về điều gì đó mà bạn đã làm. Sự nhiệt tình và năng lượng của bạn sẽ được lan truyền và tạo ấn tượng tích cực đối với những người có mặt trong phòng phỏng vấn (online hoặc offline).

3. Mang theo các bằng chứng về thành tích của bạn

Mang theo một cuốn sổ hoặc tập hồ sơ đựng các mẫu sản phẩm, bài báo, chứng nhận, giải thưởng, lời chứng thực, v.v. mà bạn đã đạt được. Nếu bạn là một nhà thiết kế hoặc các sản phẩm của bạn chủ yếu ở trên máy tính, đừng quên mang theo laptop đã mở sẵn những danh mục sản phẩm mà bạn đã làm trước đây. Bạn nhớ giao tiếp bằng mắt với người phỏng vấn trong lúc giới thiệu về những “bằng chứng” này nhé.

“Tôi cứng họng và không nghĩ ra được gì để nói”

1. Tự tin với phong cách giao tiếp hướng nội

Phong cách giao tiếp hướng nội của bạn thậm chí có thể là một lợi thế trong cuộc phỏng vấn tìm việc. Người hướng nội thường than thở rằng họ không phải là người giỏi trò chuyện và thường ước được như những người bạn hay đồng nghiệp hướng ngoại của họ.

Bạn hãy đơn giản là trả lời những gì người phỏng vấn muốn hỏi là đủ. Ngoài ra, đôi khi bởi vì người hướng ngoại quá tự tin với kỹ năng giao tiếp của mình, họ có thể ít có chuẩn bị và thực hành các câu trả lời của mình. Kết quả là họ có thể đưa ra các câu trả lời lan man và thiếu trọng tâm.

Không cần là một chú thỏ chạy nhanh nhưng mãi chơi và quên mất đích đến, chỉ cần là một chú rùa chậm rãi bước từng bước chắc chắn hướng đến mục tiêu của mình, phải vậy không?

Introvert Blooms

2. Chuẩn bị trước câu trả lời cho buổi phỏng vấn tìm việc

Chuẩn bị trước câu trả lời của bạn sẽ giảm bớt những khoảnh khắc bạn không thể nghĩ ra những gì mình muốn nói. Đây cũng là cách giúp bạn phát huy một thế mạnh khác của tính cách hướng nội: dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo.

Nếu một câu hỏi nào đó từ nhà tuyển dụng khiến bạn hơi lúng túng, bạn chỉ cần nói rằng: “Đó là một câu hỏi rất thú vị, em xin phép suy nghĩ một chút ”. Bằng cách đó, bạn cũng đang trả lời câu hỏi mà không gây ra một khoảng lặng khó xử, đồng thời cho phép suy nghĩ của bạn bắt kịp và giúp bạn có câu trả lời phù hợp.

3. Sử dụng giấy nhắc khi cần

Bạn hãy mang theo một folder đựng hồ sơ trông chuyên nghiệp với một tập giấy, trong đó liệt kê một vài ý chính dưới dạng lời nhắc ngắn gọn để giúp bạn ghi nhớ những điều bạn muốn nói. Bạn có thể tinh tế liếc xuống tờ giấy trong tay và chuẩn bị suy nghĩ của mình. Phần này cũng cần một chút luyện tập để bạn trông vẫn thật tự nhiên và không phụ thuộc vào những lời nhắc đó.

4. Khẳng định giá trị của bản thân

Hãy dành thời gian xem lại định nghĩa của bạn về thành công. Bởi vì, một cuộc phỏng vấn là cơ hội để bạn trực tiếp truyền tải thông điệp cốt lõi của mình đến nhà tuyển dụng. Hầu hết các cuộc phỏng vấn tìm việc sẽ cho bạn cơ hội để truyền tải thông điệp đó bằng các câu hỏi như: “Hãy cho tôi biết về bản thân bạn” hay “Điểm mạnh của bạn là gì?”

Ngoài ra, kết thúc phần phỏng vấn lại chính là một cơ hội khác để khẳng định một lần nữa với câu nói: “Em rất vui được gặp Anh/Chị. Em rất háo hức về cơ hội này và em tin rằng em sẽ mang đến cho công ty mình … ”

5. Thư cảm ơn sau buổi phỏng vấn tìm việc

Bạn nên sử dụng thư cảm ơn để củng cố hoặc trình bày lại thông điệp của bạn. Đó không chỉ là một phép lịch sự cơ bản, mà còn cho phép bạn cung cấp thêm thông tin và thậm chí để cải thiện những câu trả lời không tốt. Đây cũng là cơ hội để bạn truyền tải thông điệp của mình, ngay cả khi bạn chỉ có thể làm như vậy trong thư cảm ơn.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn có tâm thái tốt hơn cho những cuộc phỏng vấn tìm việc sắp tới. Trên hết, sự chuẩn bị tốt sẽ giúp bạn giảm bớt những ẩn số khiến bạn căng thẳng, đồng thời giúp dự đoán và thực hành cách bạn sẽ phản ứng trong các tình huống khác nhau. Chúc bạn thành công và chọn được công ty mà bạn muốn cống hiến hết mình nha!

>>> Xem thêm: Làm thế nào để thích nghi ở môi trường làm việc

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms