Home Introvert, bạn là ai? Hướng nội là gì? Bạn có phải người hướng nội?

Hướng nội là gì? Bạn có phải người hướng nội?

---
Là một người hướng nội, bạn vẫn có thể rung chuyển thế giới một cách nhẹ nhàng ngay cả khi bạn là một tiếng sấm lặng lẽ.

by Mai Ly

Khi có ai đó nói bạn mô tả một người hướng nội (introvert), có lẽ bạn sẽ nghĩ ngay đến một người ít nói, trầm tính và chu đáo nhất mà bạn biết. Đó có thể là một người hầu như luôn tránh sự chú ý từ người khác và hiếm khi tham gia các hoạt động xã hội. Hoặc ai đó thích chiếm một góc yên tĩnh cho riêng mình với một cuốn sách hay ho hoặc vuốt ve chú cún cưng của mình, thay vì ngồi trò chuyện cùng ai đó. Liệu những gì chúng ta hiểu về tính cách hướng nội có đúng hay không?

Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về người hướng nội và xác định bản thân có phải người hướng nội hay không.

Hướng nội và các xu hướng tính cách

Trước khi tìm hiểu về người hướng nội, chúng ta cần hiểu qua một chút về các loại tính cách khác nhau. Xét về khía cạnh tâm lý, các nhà khoa học chia con người thành ba nhóm: Introvert (Người hướng nội), Extrovert (Người hướng ngoại) và Ambivert (Người hướng trung). Lâu nay, người hướng nội và người hướng ngoại thường được nhìn nhận theo hai khía cạnh đối lập, nhưng thực tế là hầu hết mọi người đều ở đâu đó ở giữa hai thái cực này.

Không có ai gọi là hướng nội hay hướng ngoại thuần túy. Một người như vậy sẽ ở trong bệnh viện tâm thần mất rồi.

Carl G. Jung – Bác sĩ tâm thần học nổi tiếng người Thuỵ Sỹ

Bảng so sánh dưới đây sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu được những sự khác nhau chính giữa ba nhóm tính cách này:

bảng so sánh introvert extrovert ambivert
Phân biệt người hướng nội, hướng ngoại và hướng trung

Hướng nội là gì?

Định nghĩa tính cách hướng nội

Hướng nội là một trong những đặc điểm tính cách chính được nghiên cứu và đề cập nhiều trong các lý thuyết về nhân cách. Người hướng nội hay còn gọi là người sống nội tâm có xu hướng trầm lặng, kín đáo và hướng vào những suy nghĩ những cảm nhận bên trong nhiều hơn. Không giống như những người hướng ngoại nhận được năng lượng từ giao tiếp xã hội, những người sống nội tâm lại tiêu hao năng lượng trong các tình huống như thế. Sau khi tham dự một bữa tiệc hoặc dành thời gian cho một nhóm đông người, introvert thường cảm thấy cần phải “nạp năng lượng” bằng cách dành một khoảng thời gian ở một mình.

Những người sống nội tâm có xu hướng hướng vào bên trong, cụ thể là tập trung nhiều hơn vào những suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng bên trong họ hơn là tìm kiếm sự kích thích bên ngoài.

Kendra Cherry – Chuyên gia tư vấn giáo dục

Hướng nội và nhút nhát

Mặc dù người hướng nội chiếm khoảng 30 đến 40% dân số, nhưng vẫn còn nhiều quan niệm không đúng về kiểu tính cách này. Chúng ta cần lưu ý rằng là một người hướng nội không có nghĩa là bạn lo lắng khi giao tiếp với người khác hay luôn nhút nhát.

Bạn có thể là người vừa nhút nhát vừa sống nội tâm. Điều đó có nghĩa là, tính nhút nhát và tính hướng nội là hai đặc điểm tính cách riêng biệt. Không giống như tính cách hướng nội, tính nhút nhát không liên quan gì đến cách bạn tiêu hao và lấy lại năng lượng. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thế giới cũng có những người hướng ngoại nhút nhát – những người thích ở bên người khác nhưng lại sợ hoặc thiếu các kỹ năng giao tiếp.

Sự nhút nhát thường mất dần khi bạn thích nghi với tình huống mới và trở nên thoải mái trong môi trường xung quanh. Ví dụ, bạn có thể không cảm thấy thích bắt đầu một cuộc trò chuyện vào ngày đầu tiên đi học, nhưng vào tuần thứ hai, bạn có thể cảm thấy đủ thoải mái để trò chuyện với các bạn cùng lớp. Việc người khác chấp nhận con người bạn cũng có thể giúp giảm bớt cảm giác ngại ngùng trong tương lai.

Trong khi đó, hướng nội vẫn là một phần trong tính cách của bạn.

Hướng nội và trầm cảm

Người ta cũng thường nhầm lẫn giữa hướng nội và trầm cảm, cho rằng một người sống nội tâm có dấu hiệu của trầm cảm. Một người bị trầm cảm có ít động lực hơn và cảm thấy chán nản trong một thời gian dài. Họ khó tập trung và làm việc kém hiệu quả hơn. Trong khi đó, hướng nội liên quan đến nhu cầu được ở một mình để nạp năng lượng. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản như sau:

  • Trầm cảm: Mất hứng thú với mọi điều và không muốn làm những việc bạn từng yêu thích.
  • Hướng nội: Muốn làm những điều yêu thích một mình và cảm thấy thoải mái về điều đó.

Đặc điểm chính của người hướng nội

1. Ở bên cạnh nhiều người làm tiêu hao năng lượng của người hướng nội

Bạn có bao giờ cảm thấy kiệt sức sau khi dành thời gian cho nhiều người? Sau một ngày tiếp xúc với người khác, bạn có thường cần đi đến một nơi thật yên tĩnh và dành nhiều thời gian cho bản thân mình không? Một trong những đặc điểm chính của kiểu tính cách này là họ dễ bị tiêu hao năng lượng trong các tình huống giao tiếp xã hội.

đặc-điểm-người-hướng-nội
Đặc điểm phổ biến của người hướng nội

Điều đó không có nghĩa là tất cả những người thuộc kiểu cách này đều tránh hoàn toàn các sự kiện xã hội. Nhiều người hướng nội thực sự thích dành thời gian ở bên người khác, với một lưu ý quan trọng – người nội tâm có xu hướng thích bầu bạn với những người bạn thân. Trong khi người hướng ngoại có thể đến một bữa tiệc với mục đích gặp gỡ những người mới, thì người hướng nội muốn dành thời gian cho những người bạn thân quen của mình.

2. Bạn yêu thích thời gian một mình

Là một người hướng nội, thời gian lý tưởng của bạn sẽ thường là một buổi chiều yên tĩnh để làm những điều mình yêu thích. Một vài giờ ở một mình với một cuốn sách hay, một buổi dạo bộ giữa thiên nhiên yên bình hoặc ngồi trên sofa xem chương trình truyền hình yêu thích của bạn là những cách tuyệt vời để giúp bạn cảm thấy được sạc đầy năng lượng.

Điều này không có nghĩa là người sống nội tâm luôn muốn ở một mình. Introvert thích dành thời gian cho bạn bè và trò chuyện với những người thân thuộc. Chỉ có điều là sau một ngày dài, introvert thường sẽ muốn đến một nơi yên tĩnh để suy nghĩ, nhìn lại các trải nghiệm và “sạc pin” cho mình.

3. Bạn có một nhóm nhỏ bạn thân

Mặc dù những người sống nội tâm thường không thích giao lưu nhiều nhưng họ lại thích có một nhóm nhỏ bạn bè mà họ đặc biệt thân thiết. Thay vì có một vòng tròn kết nối xã hội rộng lớn với những người mà họ chỉ biết ở mức độ xã giao, những người hướng nội thích gắn bó với các mối quan hệ lâu dài và sâu sắc.

Người hướng ngoại thường có nhiều bạn bè và người quen, còn người hướng nội thường lựa chọn bạn bè của họ một cách cẩn thận hơn nhiều. Nếu vòng kết nối xã hội của bạn có xu hướng nhỏ nhưng gần gũi, rất có thể bạn là người hướng nội.

4. Mọi người thường mô tả người hướng nội là người trầm tính

Người hướng nội thường được mô tả là người trầm lặng, dè dặt, dịu dàng và đôi khi bị nhầm tưởng là nhút nhát.

Mặc dù một số introvert cũng là người nhút nhát, nhưng mọi người chắc chắn không nên nhầm lẫn sự kín đáo của người hướng nội với sự rụt rè. Trong nhiều trường hợp, những người có kiểu tính cách này chỉ đơn giản là thích lựa chọn lời nói của họ một cách cẩn thận và không lãng phí thời gian hoặc năng lượng vào những cuộc tán gẫu không cần thiết.

Nếu bạn thuộc tuýp người trầm lặng và hơi dè dặt, có lẽ bạn là người sống nội tâm.

5. Nhiều tác động bên ngoài dễ khiến bạn cảm thấy mất tập trung

Khi người hướng nội phải dành thời gian cho các hoạt động hoặc môi trường quá bận rộn, họ có thể cảm thấy khó tập trung và bị choáng ngợp. Đó cũng là một phần lý do tại sao người hướng nội có xu hướng thích không gian yên tĩnh, ít ồn ào hơn.

6. Bạn tự nhận thức về mình rất tốt

Introvert thường dành nhiều thời gian để chiêm nghiệm và nhìn sâu vào những trải nghiệm bên trong của bản thân. Nếu bạn cảm thấy mình có sự hiểu biết và cái nhìn sâu sắc về chính mình, về động lực và cảm xúc của bạn, bạn có thể thiên về tính cách hướng nội.

Tự nhận thức và hiểu rõ bản thân là điều quan trọng đối với người hướng nội. Vì vậy, họ thường dành nhiều thời gian để tìm hiểu thêm về bản thân như khám phá sở thích của mình, suy nghĩ nhiều điều về cuộc sống và đọc những cuốn sách về các chủ đề mà họ quan tâm.

7. Bạn thích học bằng cách quan sát

Trong khi những người hướng ngoại có xu hướng thích bắt tay ngay vào việc và học hỏi thông qua kinh nghiệm thực tế, thử và sai, thì những người hướng nội thường thích học thông qua quan sát trước tiên. Người sống nội tâm thích xem người khác thực hiện một nhiệm vụ nào đó cho đến khi cảm thấy rằng họ có thể tự mình làm điều tương tự. Khi introvert học hỏi từ kinh nghiệm cá nhân, họ thích luyện tập ở một nơi nào đó riêng tư. Ở đó, họ có thể xây dựng kỹ năng của mình một cách thoải mái mà không cần phải quan tâm đến suy nghĩ của người khác.

8. Bạn bị thu hút bởi những công việc liên quan đến sự độc lập

Những công việc đòi hỏi nhiều tương tác xã hội thường ít thu hút những người hướng nội cao. Mặt khác, những nghề nghiệp liên quan đến làm việc độc lập thường là lựa chọn tuyệt vời cho họ. Ví dụ, một người hướng nội có thể thích làm nhà văn, kế toán, lập trình viên, thiết kế đồ họa, dược sĩ hoặc nghệ sĩ.

Các nhóm người hướng nội

Vào năm 2011, nghiên cứu của các nhà tâm lý học Jennifer Grimes, Jonathan Cheek và Julie Norem đã chia tính hướng nội thành 4 kiểu chính: social introvert (hướng nội xã hội), thinking introvert (hướng nội suy nghĩ), anxious introvert (hướng nội lo lắng) và restrained introvert (hướng nội kiềm chế).

  • Người hướng nội xã hội: Đây là kiểu hướng nội điển hình. Bạn có xu hướng thích dành thời gian cho các nhóm ít người hơn hoặc thích ở một mình.
  • Người hướng nội suy nghĩ: Bạn có xu hướng dành nhiều thời gian cho trí tưởng tượng và suy nghĩ bên trong của bạn.
  • Người hướng nội lo lắng: Bạn có nhu cầu dành thời gian ở một mình vì sự bầu bạn của người khác khiến bạn cảm thấy ngại ngùng, lúng túng hoặc thiếu tự tin. Khi ở một mình, bạn thường suy ngẫm về những trải nghiệm trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai.
  • Người hướng nội kiềm chế: Bạn thích hành động với sự kiềm chế và từ tốn. Bạn có xu hướng giữ những suy nghĩ và cảm xúc cho riêng mình. Bạn thường sẽ không theo đuổi cảm giác mạnh và cảm giác mới cho đến khi bạn dành đủ thời gian để tìm hiểu và cân nhắc các lựa chọn của mình.

>>> Xem thêm: Bộ câu hỏi xác định bạn thuộc nhóm tính cách hướng nội nào

Như vậy, hướng nội là một đặc điểm tính cách được đặc trưng bởi sự tập trung vào cảm giác bên trong hơn là vào các tác động bên ngoài. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần nhớ rằng không có loại tính cách nào là “tốt” hơn. Mỗi xu hướng tính cách có thể có những lợi ích và hạn chế riêng tùy thuộc vào tình huống. Tuy nhiên, bằng cách hiểu rõ hơn về tính cách của mình, bạn có thể học cách chấp nhận điểm yếu và tận dụng thế mạnh của mình một cách tốt nhất để đạt được sự bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

Thật tuyệt khi là một người hướng nội

Nếu bạn là một người hướng nội, hãy yêu quý chính những điểm mạnh và điểm yếu đáng yêu của bản thân.

  1. Mặc dù khá trầm lặng và bí ẩn nhưng người hướng nội là những người thực tế và chân thật nhất mà bạn từng gặp.
  2. Người hướng nội là những người biết lắng nghe. Họ chú ý đến những chi tiết nhỏ khiến mọi người cảm thấy được thấu hiểu.
  3. Người hướng nội có trí tưởng tượng phong phú. Họ rất sáng tạo và tâm trí của họ là một bức tranh sống động vô cùng.
  4. Người hướng nội có nhiều sở thích và thú vui khiến họ trở thành người thú vị, và niềm vui của họ không cần phải phụ thuộc vào kẻ khác.
  5. Người hướng nội không nói chỉ để … nói. Mỗi lời họ thốt ra đều chứa đựng nhiều ý nghĩa.
  6. Người hướng nội có cuộc sống đơn giản. Họ không thích khoe khoang về bản thân và thành tích của họ. Họ trân quý cả những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
  7. Người hướng nội nhìn thế giới theo cách khác. Họ là các nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, chính trị gia.
  8. Người hướng nội không cần phụ thuộc vào ai để trở nên hạnh phúc.
  9. Người hướng nội thích lên kế hoạch cho mọi thứ một cách cẩn thận và họ chấp nhận rủi ro có tính toán.
  10. Người hướng nội luôn thực tâm muốn yêu thương và cho đi nhiều hơn, làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Nhắn gửi từ Introvert Blooms

Người hướng nội thân mến,

Bạn đừng tự làm khó mình, đừng khắt khe quá với bản thân. Đừng cảm thấy mình như một kẻ lạc lõng trong thế giới này. Không có gì sai khi bạn cần nhiều thời gian ở một mình hoặc chỉ có một vài người bạn. Điều thực sự quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái với tính cách của mình và chấp nhận con người mình. Trên thực tế, thoải mái với bản thân và thích ở một mình có thể được coi là một sức mạnh đấy. Những ai luôn cảm thấy cần được ở bên người khác có thể là người thiếu độc lập và phụ thuộc phải không nào?

Là một người hướng nội, bạn vẫn có thể rung chuyển thế giới một cách nhẹ nhàng ngay cả khi bạn là một tiếng sấm lặng lẽ.

Aakarsh Rauniyar

Tham khảo: https://www.verywellmind.com/signs-you-are-an-introvert-2795427

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms