Home Sự Nghiệp Làm thế nào để thích nghi ở môi trường làm việc

Làm thế nào để thích nghi ở môi trường làm việc

---
Bạn nên hướng đến việc tự thống kê các chỉ số công việc của bản thân hàng ngày, hàng tháng, ghi nhận vào nhật ký làm việc khi bạn có sự đóng góp lớn vào doanh thu hoặc giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả cho công ty. 

by Mai Ly

Khi nói đến các kiểu tính cách của con người, sẽ không có cái gọi là màu đen hay màu trắng, mà là màu xám. Bởi tất cả chúng ta đều thể hiện đặc điểm và hành vi khác nhau tùy thuộc vào môi trường, tâm trạng của chúng ta và các yếu tố khác nữa. Nhưng hầu hết chúng ta có xu hướng nghiêng về hướng nội hoặc hướng ngoại. Chúng ta có thể xác định mình thiên về hướng nào khi xem xét cách chúng ta tiếp thêm năng lượng và nơi chúng ta hướng sự chú ý của mình – bên ngoài hay bên trong bản thân.

Trong khi các hoạt động và mọi người xung quanh tiếp thêm sinh lực cho người hướng ngoại, thì người hướng nội cần thời gian một mình để suy ngẫm và nạp năng lượng. Họ có xu hướng bình tĩnh, biết lắng nghe và thích suy nghĩ trước khi nói.

Thật không may, nhiều nơi làm việc không công nhận và khích lệ những đặc điểm đó. Thay vào đó, những nhân viên hòa đồng và lôi cuốn nhất thường được thăng chức lên các vị trí lãnh đạo. 

Nhưng đừng lo lắng! Chỉ vì bạn là người hướng nội không có nghĩa là bạn sẽ bị coi thường hoặc đánh giá thấp trong công việc. Thay vì cố gắng sửa chữa những gì mà một số người coi là điểm yếu của bạn, hãy học cách tận dụng điểm mạnh của chính mình để thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc nhé. 

1. Chọn đúng vai trò ở môi trường làm việc

Không có ngành nghề hoặc công việc cụ thể nào phù hợp nhất với tất cả người hướng nội. Một số có thể thích một ngành phân tích như kế toán, trong khi những người khác có thể xuất sắc trong một lĩnh vực sáng tạo như viết lách. Điều quan trọng nhất là vai trò cụ thể của bạn tại nơi làm việc cần tận dụng được các kỹ năng tốt nhất của bạn.

Giả sử bạn đang là nhân viên bán hàng và bạn không thích gọi điện telesales, nhưng bạn rất giỏi trong việc xây dựng mối quan hệ. Đó cũng là một kỹ thuật không thể thiếu trong công việc này. Vì vậy, chúng ta cần xác định điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, sau đó so sánh chúng với mô tả công việc và trách nhiệm của bạn, đảm bảo chúng phù hợp với sở trường sở đoản của bản thân. Nếu không, có thể bạn sẽ cần nói chuyện với người quản lý của bạn về việc điều chỉnh vai trò của bạn để phù hợp hơn.

2. Phát huy thế mạnh của bạn trong các cuộc họp

Rất nhiều người hướng nội ở công ty cảm thấy thoải mái hơn khi giao tiếp bằng văn bản hơn là bằng lời nói. Soạn một email cho phép bạn có thời gian để suy nghĩ về những gì bạn muốn nói và cung cấp tất cả các ý kiến, luận điểm của bạn một cách chi tiết và mạch lạc. Nhưng nếu bạn đang ở trong một phòng họp đầy những người hướng ngoại, việc truyền đạt ý tưởng của bạn có thể là một thách thức. Bạn có thể cảm thấy mình gặp bất lợi, nhưng không phải vậy, bạn hoàn toàn có thể phát huy thế mạnh tốt nhất của mình và một trong số đó là lắng nghe.

Là một người hướng nội, bạn có khả năng lắng nghe, ghi chú và giải quyết vấn đề trong đầu. Bằng cách tiếp thu tất cả thông tin được mọi người trình bày trong cuộc họp và sau đó làm việc độc lập, bạn có thể quay lại với nhóm đồng nghiệp của mình sau đó cùng với một giải pháp toàn diện.

Việc chuẩn bị cho các cuộc họp trước thời gian diễn ra bằng cách phác thảo các ý tưởng và các nội dung nói chuyện chính của bạn cũng rất hữu ích. Toàn bộ các y được sắp xếp rõ ràng đâu ra đấy sẽ giúp bạn dễ dàng thuyết phục mọi người hơn.

>>> Xem thêm: 10 lý do người hướng nội là những đồng nghiệp lý tưởng

3. Chọn một góc yêu thích của mình ở công ty

Góc yêu thích của người hướng nội ở công ty là gì? Đó là bất cứ nơi nào bạn có thể cảm thấy bình yên. Nó có thể là quầy pha cafe của công ty vào sáng sớm trước khi mọi người đến.

Nơi đó cũng có thể là một góc yên tĩnh và kín đáo trong phòng nghỉ, nơi bạn có thể đọc một vài chương của một cuốn tiểu thuyết trước khi ca làm việc tiếp theo bắt đầu. Nói tóm lại, một nơi hạnh phúc có thể là bất cứ nơi nào cho phép tận hưởng một vài giây phút yên tĩnh một mình hoặc với một hoặc một vài người đồng nghiệp thân thiết nếu muốn.

4. Lên lịch cho những khoảng thời gian được ở một mình

Ngay cả khi bạn có không gian làm việc riêng, bạn vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, đặc biệt là với sự phổ biến ngày càng tăng của các văn phòng mở ít vách ngăn. Khi những người đồng nghiệp đến bàn của bạn để trò chuyện, chat với bạn trên phần mềm giao tiếp nội bộ hay lên lịch cho các cuộc họp đột xuất, bạn sẽ rất khó hoàn thành bất kỳ công việc cụ thể nào – hoặc ít nhất là nạp lại năng lượng cho mình trong suốt ngày làm việc.

Bạn cần đảm bảo rằng bạn có thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng với sự tập trung cao độ hoặc đơn giản là được nghỉ ngơi khi cần thiết bằng cách chừa một khoảng thời gian trên lịch của bạn để được ở một mình trong không gian yên tĩnh. “Nếu bạn đang làm việc và cần thời gian yên tĩnh, hãy đặt phòng họp, hoặc đi bộ một chút để giải tỏa đầu óc. Việc này sẽ cho đồng nghiệp biết bạn đang bận và không nên làm phiền bạn vào những khoảng thời gian đấy.

5. Cố gắng làm quen với đồng nghiệp của bạn

Phát triển mối quan hệ bền vững gắn bó với đồng nghiệp của bạn là điều cực kỳ quan trọng. Như vậy, bạn sẽ có những đồng minh sẵn sàng lắng nghe bạn, đưa ra ý tưởng của bạn và hỗ trợ bạn trong các cuộc họp. Thật không may, phần lớn những người hướng nội lại không phải là người thích tán gẫu, nói chuyện xã giao mà thích làm việc độc lập hơn. 

Điều đó không có nghĩa là bạn không thân thiện. Điều quan trọng cần nhớ là giao tiếp rất quan trọng trong môi trường làm việc. Bạn nên biết phong cách giao tiếp của mình để có thể gắn kết làm việc với những đồng nghiệp có kiểu tính cách khác với bạn. Trong khi một người hướng ngoại có thể tỏa sáng trong giờ nghỉ trưa tại văn phòng hoặc trong các chuyến đi teambuilding cùng công ty, thì một người hướng nội lại thích tạo một (vài) mối liên hệ sâu sắc với ai đó ở công ty thay vì tương tác với cả nhóm. Bạn có thể hẹn người đồng nghiệp mà bạn quý mến đi ăn trưa hoặc đi uống cà phê để hai bên có thể hiểu nhau và trở nên thân thiết với nhau hơn.

Bạn có thể tham khảo thêm một số bí quyết để networking và trò chuyện xã giao trong Ebook này.

ebook-bí-quyết-networking-người-hướng-nội

FREE EBOOK

Bí Quyết Networking Cho Người Hướng Nội


6. Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn ở môi trường làm việc

​​Người hướng nội có xu hướng tránh trở thành trung tâm của sự chú ý, vì vậy, có thể bạn không thích nói trước đám đông và những tình huống không thoải mái tương tự. Nhưng điều đó sẽ không giúp ích cho bạn trên con đường sự nghiệp.

Những gì bạn đang chống lại nhất thường là những gì bạn thực sự nên làm. Nếu bạn muốn thăng tiến trong sự nghiệp, bạn sẽ phải thuyết trình, bạn sẽ phải nói chuyện với sếp của mình về các kế hoạch và báo cáo.

Nếu điều đó nghe có vẻ đáng sợ, bạn có thể dễ dàng vượt qua nó bằng cách luyện tập trước. Bạn có thể tham gia một lớp học giao tiếp hay lớp học thuyết trình. Hãy bắt đầu thoải mái khi nói chuyện với người khác. Bạn không giỏi điều đó cũng không sao vì bạn hoàn toàn có thể trở nên tốt hơn. 

Bạn có thể không bao giờ cảm thấy thoải mái 100% khi thuyết trình trước đồng nghiệp hoặc phát biểu trước ban giám đốc tại cuộc họp. Tuy nhiên, thực hành sẽ giúp quá trình này dễ dàng hơn rất nhiều và bạn sẽ nổi bật với tư cách là một nhân viên gắn bó và có nhiều đóng góp cho công ty.

7. Công nhận thành tích của bản thân và cho mọi người biết về điều đó

Người hướng nội thường có xu hướng khiêm tốn và tránh khoe khoang về thành tích của mình. Họ muốn người khác có thể tự nhìn thấy, công nhận và trân trọng đóng góp của họ. Tuy nhiên, một trong những điều đáng tiếc của việc quá lặng lẽ ở công ty là thành tích của bạn có thể không được công nhận một cách chính đáng. Mặc dù việc tự công nhận và thông báo với người liên quan về đóng góp của mình có thể khiến bạn cảm thấy khó xử, điều này lại cần thiết trong môi trường làm việc đầy cạnh tranh ngày .

Bạn cần được người khác lắng nghe và hiểu công sức của bạn ở nơi làm việc và trở thành những người ủng hộ của bạn. Bạn không thể cho rằng sếp của mình biết mọi thứ bạn đang làm, đặc biệt là khi công ty bạn triển khai hình thức làm việc từ xa.

Bạn nên hướng đến việc tự thống kê các chỉ số công việc của bản thân hàng ngày, hàng tháng, ghi nhận vào nhật ký làm việc khi bạn có sự đóng góp lớn vào doanh thu hoặc giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả cho công ty. 

Rốt cuộc thì, khi sếp của bạn xem xét các con số báo cáo, họ sẽ muốn biết ai đang gia tăng giá trị cho công ty, đúng không nào? Nếu bạn chỉ lặng lẽ ngồi ở bàn làm việc của mình, rất có thể không ai biết được bạn đã nỗ lực ra sao và đã mang lại những kết quả tốt đẹp nào.

Tham khảo: https://www.huffpost.com/entry/introvert-work-tips_n_5b7c6f44e4b0cd327df78c13

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms