Home Cuộc sống Nói gì khi bạn… không biết nói gì

Nói gì khi bạn… không biết nói gì

---
Thật là một điều hiếm có trên đời này khi tìm được một người không cần phải cố gắng gây ấn tượng hoặc lấp đầy không gian im lặng bằng những cuộc tán gẫu vô nghĩa

by Mai Ly

Chắc không ít lần não của bạn đi vắng khi bạn đang trong một cuộc nói chuyện xã giao với ai đó. Bạn không biết nói gì tiếp theo cả. Khi đó, bạn sẽ bắt đầu lo lắng, lục lọi trong đầu những gì có thể hỏi – hoặc đáp, để câu chuyện có thể tiếp tục và bầu không khí bớt im ắng ngại ngùng một cách kỳ cục. Chính sự lo lắng đó càng khiến tình hình trở nên tệ hơn, bởi nó khiến bạn bớt tự nhiên hơn, và câu chuyện trở nên gượng gạo hơn.

Thường sự lúng túng này sẽ dễ xảy ra với những người ít thân quen. Bạn chưa hiểu nhiều về họ và không chắc chủ đề hay phong cách giao tiếp nào sẽ thu hút họ. 

Vậy khi không biết nói gì nữa, chúng ta nên làm gì?

Cách duy trì cuộc trò chuyện với người không thân quen

Có một vài kỹ thuật bỏ túi như chiếc phao cho bạn trong những khoảnh khắc này. Nó sẽ không chỉ giúp bạn về mặt giao tiếp xã hội mà còn cho phép bạn xây dựng các cơ hội tiềm năng trong công việc và cuộc sống.

1. Đừng xem “Là một người thú vị trong mắt họ” là mục tiêu của bạn

Nhiều người cho rằng để mọi người muốn xây dựng một mối quan hệ nào đó với họ thì họ phải thu hút đối phương bằng cách trò chuyện thật thú vị hoặc hài hước. Trong thực tế, điều này không thực sự đúng như vậy. Đừng để chính mình bị mắc kẹt trong niềm tin rằng những gì bạn đang định nói là không đủ hay. Hãy cứ nói đi.

Mọi người thường không nhớ hết những gì đã được nghe trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào. Đừng vội gây ấn tượng với họ, hãy là chính mình.

2. Chia sẻ một chút về bản thân bạn

Nói về bản thân có vẻ là điều không tự nhiên đối với một số người – đặc biệt là với những người hướng nội. Tuy nhiên, việc chia sẻ những điều nhỏ nhặt sẽ không chỉ cho người khác thấy rằng bạn muốn họ làm quen với bạn mà còn giúp cuộc trò chuyện dễ dàng hơn. Trò chuyện là việc trao đổi thông tin hai chiều phải không nào?

Thực tế, người ta có thể không nhớ về những gì được nói trong một cuộc trò chuyện. Nhưng họ có thể sẽ nhớ lại cảm giác im lặng khó xử với bạn sau một cuộc trò chuyện dường như vô nghĩa.

Vậy nên, bạn hãy tự tin đề cập bất kỳ chủ đề nào. Nếu bạn cảm thấy lúng túng, đối phương vẫn sẽ trân trọng một điều là bạn đã cố gắng duy trì cuộc trò chuyện.

3. Gợi cho đối phương nói về họ trước bằng cách đặt câu hỏi

Thay vì lục lọi trong đầu để tìm cho được điều gì đó để nói, bạn chỉ cần học cách đặt câu hỏi và lắng nghe. Đơn giản vậy thôi. Hỏi và lắng nghe. Sự kết hợp này sẽ khiến bạn trở thành một người bầu bạn tuyệt vời trong các buổi trò chuyện.

Mọi người thường thích nói về bản thân mình. Không phải vì họ tự cao, thích trở thành trung tâm sự chú ý mà vì đó là một chủ đề an toàn mà họ biết rất rõ. Do đó, nếu bạn đang loay hoay không biết nên nói gì, hãy đặt những câu hỏi hay để giúp đối phương mở lòng chia sẻ về câu chuyện của họ với bạn.

Trước tiên, bạn có thể chú ý và quan sát người đó để đoán xem chủ đề nào sẽ thu hút họ. Ví dụ, nếu họ trông đặc biệt mệt mỏi, hãy hỏi họ đã làm gì ngày hôm qua. Nếu trang phục họ mặc có món bạn đang muốn tìm mua, hãy nói là bạn cũng đang tìm một chiếc tương tự và nhờ họ giới thiệu chỗ mua.

Chìa khóa là đặt những câu hỏi mở thay vì những câu hỏi chỉ cần trả lời có hoặc không là xong. Điều này cho phép người đó giải thích thêm, giữ cho cuộc trò chuyện tiếp tục và giúp bạn hiểu hơn về tính cách của họ.

Đây là danh sách “Big questions” mà tôi đã tổng hợp trong nhiều năm để tham gia vào một cuộc trò chuyện có ý nghĩa và cho phép người kia nói nhiều về bản thân họ:

  1. Điều gì khiến bạn cảm thấy cuộc sống này ý nghĩa nhất?
  2. Điều hối tiếc lớn nhất của bạn là gì?
  3. Điều gì truyền cảm hứng cho bạn?
  4. Nếu lạc vào một đảo hoang và chỉ được mang theo duy nhất một thứ, thì đó là gì?
  5. Mô tả một ngày hoàn hảo đối với bạn
  6. Điều gì mang lại cho bạn hy vọng?
  7. Điều gì ngăn cản bạn làm những điều bạn muốn làm trong cuộc sống?
  8. Làm thế nào để bạn thể hiện tình yêu của bạn?
  9. Bạn yêu thích nơi nào nhất trên thế giới này?
  10. Bạn tin vào điều gì và tại sao?
  11. Hãy kể cho tôi nghe về gia đình của bạn
  12. Bạn đam mê điều gì?
  13. Điều gì là mọi người thường hiểu lầm về bạn nhất?
  14. Điều khó khăn nhất mà bạn từng trải qua là gì?
  15. Câu trích dẫn mà bạn tâm đắc nhất là gì?

Lưu ý: Những câu hỏi này khá sâu và sẽ yêu cầu một mức độ tin tưởng nhất định giữa bạn và đối phương.

>>> Xem thêm: Networking: Gợi ý 10 chủ đề xã giao thú vị cho người hướng nội

4. Lắng nghe là chìa khoá

Sau khi đặt câu hỏi cho đối phương, tất cả những gì bạn cần làm là lắng nghe. Khía cạnh quan trọng nhất của việc lắng nghe là thể hiện sự quan tâm thực sự. Dưới đây là một phương pháp lắng nghe khá nổi tiếng, được gọi là mô hình SOFTEN:

S = Smile or Serious – Cười hoặc Nghiêm túc, tùy theo ngữ cảnh.

O = Open Posture – Tư thế mở, đối mặt với người đang nói chuyện.

F = Forward Lean – Hơi nghiêng người về phía người nói

T = Time – Thời gian cho phép để người kia nói chuyện mà không bị gián đoạn.

E = Eye Contact – Giao tiếp bằng mắt, tuy nhiên tránh nhìn chằm chằm

N = Nod – Thỉnh thoảng gật đầu để thể hiện sự đồng ý.

Miễn là bạn biết cách đặt những câu hỏi hay và lắng nghe một cách hiệu quả, bạn không có gì phải lo lắng khi tham gia vào một cuộc trò chuyện. Mọi người vẫn có thể cảm thấy “Thật tuyệt khi được nói chuyện với bạn!” mà bạn không cần nói một lời nào về bản thân.

Khi bạn thực sự không biết nói gì tiếp theo?

Không sao cả bạn ơi! Lời khuyên tốt nhất dành cho bạn là hãy thư giãn và hoà mình vào niềm hạnh phúc yên bình của việc quan sát và lắng nghe. Hãy thưởng thức sự im lặng đó. Hãy để cả thế giới chờ đợi trong khao khát những lời nói của bạn được hình thành. Không có gì phải vội vàng. Bạn không có gì để chứng minh cho bất cứ ai, ngoài chính bạn.

1. Ma lực của sự tự tin trong im lặng

Thật là một điều hiếm có trên đời này khi tìm được một người không cần phải cố gắng gây ấn tượng hoặc lấp đầy không gian im lặng bằng những cuộc tán gẫu vô nghĩa. Một người hoàn toàn tự tin về bản thân, không cần biện hộ về con người của bạn và những gì bạn cảm thấy – một người như thế sẽ vô cùng quyến rũ. Thật đó.

Bạn có thể mạnh mẽ và can đảm, hoặc mềm mỏng và tốt bụng trong chính sự trầm lặng của mình. Đôi mắt của bạn có thể truyền đạt quyết tâm đáng sợ hoặc lòng trắc ẩn dịu dàng.

2. Bạn là một ngọn hải đăng lặng yên

Những ngọn hải đăng không chạy khắp một hòn đảo để tìm thuyền cứu; chúng chỉ đứng đó tỏa sáng.

Anne Lamott – Nhà văn

Hãy như ngọn hải đăng, âm thầm tỏa sáng cho bất cứ ai quan tâm tìm kiếm bạn. Không phải ai cũng nhận thấy ánh sáng của bạn. Và cũng không phải tất cả mọi người đều sẽ tìm kiếm nó. Nhưng những người phù hợp nhất sẽ tìm thấy bạn.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bắt đầu và duy trì một cuộc trò chuyện khi dường như không có gì để nói, bạn chắc chắn không đơn độc đâu! Điều này có thể xảy đến với bất kỳ ai, kể cả là người hướng ngoại đi chăng nữa. Bạn chỉ cần thoải mái, chân thành và tự tin vào chính bản thân mình, dù không cần dùng lời nói để thể hiện điều đó.

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms