Một mùa tựu trường mới bắt đầu cùng các cuộc họp phát triển chuyên môn dành cho giáo viên trong trường. Và tôi, một giáo viên lớp hai, đang ở trong một thư viện lớn, xung quanh là hàng chục thầy cô khác. Tôi đã được yêu cầu đưa ra một số câu hỏi về việc giúp đỡ những em học sinh đang gặp khó khăn trong việc học đọc.
Đột nhiên, trong lúc đang suy nghĩ, tôi nghe thấy thầy chủ trì buổi họp hỏi, “Có ai cần thêm thời gian không?” Tôi nhìn chằm chằm vào màn hình trống rỗng của mình với đôi mắt mở to. Đã 20 phút trôi qua, và dường như tôi đã bị tụt lại phía sau.
Chúng tôi kết thúc phần chia sẻ ý tưởng và tôi vuột mất cơ hội đóng góp những suy nghĩ của mình. Trong suốt thời gian còn lại của hôm đó, tôi đấu tranh để nói ra ý kiến của mình trong khi lắng nghe mọi người xung quanh chia sẻ.
Vào cuối hội thảo, mọi người đều có cơ hội đứng lên và nói về điều gì đó họ đã học được hoặc nghĩ ra. Vẻ mặt lo lắng hẳn đã hiện rõ trên khuôn mặt tôi, bởi vì một giáo viên cũ của tôi đã nhìn sang tôi, mỉm cười và nói, “Em không thay đổi một chút nào.”
Tôi cười cười đáp lại. Ông ấy hẳn đã nhìn thấy vẻ mặt hoảng sợ đó rất nhiều năm trước trong lớp học cấp hai của mình.
Đột nhiên, điều này gợi cho tôi nhớ về lý do tại sao tôi cảm thấy rất đam mê với những gì tôi làm. Khi còn là học sinh, tôi hầu như luôn là người hoàn thành bài cuối cùng và là người không bao giờ giơ tay. Người có khuôn mặt đỏ bừng, lo lắng khi nghĩ đến việc phải đưa ra một ý kiến gì đó mà không có sự chuẩn bị trước. Khi ấy, tôi đã nghĩ, chắc chắn cảm giác này sẽ mất đi khi tôi lớn hơn. Tôi yêu trường học và thích học hành. Nhưng tôi bị làm sao thế?
Vậy mà ở tuổi 25, tôi vẫn là một người ít nói, sống nội tâm. Tôi muốn đẩy mình ra khỏi vùng an toàn của mình. Tuy nhiên, như nhiều người hướng nội nào, tôi đồng thời tránh rời khỏi vùng an toàn của mình nhiều nhất có thể. Trong một thời gian dài, tôi đã nghĩ rằng mình giống như những gì mà mọi người thường nghĩ, rằng tôi thật kỳ quặc.
Tôi đã xém khóc trong hội thảo đó vì thấy quá ngột ngạt với những gì diễn ra xung quanh.
Quan niệm không đúng về “Ít nói”
“Ít nói” không phải là điều mà mọi người mong đợi ở một người giáo viên. Hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi biết rằng tôi đang hướng dẫn 45 cô nhóc cậu nhóc học tập mỗi ngày. Mọi người thỉnh thoảng lại hỏi tôi “Sao bạn ít nói quá vậy? Có chuyện gì không vui à?”, tôi chỉ đáp “Không, tôi chỉ hơi trầm tính thôi.” Và câu trả lời đó có vẻ không làm thoả mãn mọi người cho lắm.
Yên lặng không đồng nghĩa với yếu đuối hay kỳ lạ.
Yên lặng có nghĩa là quan sát, lắng nghe, suy nghĩ và xử lý thông tin. Nếu người ngồi đối diện với bạn trong một cuộc họp hoặc một buổi thảo luận nhóm không nói bất cứ điều gì, có thể đơn giản là họ không có gì để nói vào lúc này. Nếu họ bị yêu cầu đưa ra một phản hồi gì đó ngay lập tức, có thể họ sẽ rất lo lắng và bối rối. Tuy nhiên, nếu có thời gian để suy nghĩ hoặc chuẩn bị, người hướng nội đó có thể đưa ra những câu trả lời khiến bạn phải ngạc nhiên vì mức độ sâu sắc và toàn diện của chúng.
Là một giáo viên, tôi đã thấy nhiều học sinh hướng nội đưa ra những phản hồi thông minh — khi chúng có đủ thời gian. Và nếu đó là chủ đề mà chúng yêu thích, có khi bạn lại ước chúng yên lặng một chút. Vì chúng có thể líu lo về chủ đề đó một cách say sưa đấy.
Tôi đã khuyến khích các học sinh hướng nội thế nào
Nhớ lại, khi tôi còn là một học sinh trầm lặng, các giáo viên thường nói “Hãy mạnh dạn lên”. Tại các cuộc họp phụ huynh, họ nói với cha mẹ tôi rằng tôi cần năng động hơn. Điều này càng khẳng định rằng tôi không “bình thường”.
Nhưng vào năm lớp 7, tôi đã gặp một cô giáo đầy lòng trắc ẩn và hiểu biết. Cô ấy cho phép tôi được là chính mình. Tôi không cảm thấy áp lực phải năng nổ hơn và tham gia nhiều hơn cùng mọi người nữa. Cô ấy biết tôi đang tham gia – theo cách im lặng của riêng tôi. Với một cái vỗ lưng động viên, một lời nhắn nhủ ân cần trên bài kiểm tra của tôi, hoặc một nụ cười trìu mến, tôi biết mình đã “đủ”. Trong lớp học của cô ấy, tôi không “kỳ lạ”. Trong lớp của cô ấy, tuy tôi khác mọi người, nhưng tôi cảm thấy mình được trân trọng. Từ khi còn nhỏ, tôi đã bắt đầu mơ ước được trở thành một giáo viên có tâm như cô ấy.
Bây giờ, với tư cách là một giáo viên, tôi thích động viên và ủng hộ những học sinh hướng nội theo cách của mình. Mặc dù các tiết học trôi qua rất nhanh, nhưng tôi cố gắng hết sức để tránh yêu cầu học sinh trả lời mà không cho chúng thời gian chuẩn bị trước. Tôi cố gắng tạo cơ hội cho những học sinh trầm tính làm các nhiệm vụ lớp trưởng hay lớp phó của lớp như những học sinh tự tin, năng động khác. Bạn sẽ rất ngạc nhiên bởi sự nhiệt tình và tính trách nhiệm của chúng khi đảm nhận vai trò lãnh đạo đấy.
Một học sinh hướng nội đặc biệt trong lớp của tôi là một trong những người biết lắng nghe và quan sát tốt nhất mà tôi từng biết. Tôi biết cô bé ấy sẽ rất tinh tế và rất giỏi trong việc giúp đỡ người khác, vì vậy tôi đã hỏi cô bé liệu em ấy có muốn hướng dẫn một số bạn cùng lớp hoàn thành bài tập không. Em ấy đồng ý và rõ ràng là em đã bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, sự tự tin của cô học trò nhỏ ngày càng lớn. Cô bé bắt đầu tham gia với những người khác nhiều hơn. Rồi một ngày, một giáo viên khác muốn học cách làm một điều gì đó trên iPad. Cũng chính học sinh này là một trong những người đầu tiên tình nguyện chỉ cho cô ấy! Nếu là một năm trước, điều đó chắc sẽ khó xảy ra. Tôi hy vọng rằng từ thời điểm ấy, cô học sinh bé nhỏ đã bắt đầu nhận ra sức mạnh tiềm ẩn của chính mình.
Giáo viên nên ủng hộ các học sinh ít nói
Tôi tin chắc rằng tôi có được ngày hôm nay phần lớn là nhờ tất cả những giáo viên đã quan tâm và nhìn thấy điểm mạnh của tôi. Cảm giác được thấu hiểu và được quý trọng là một món quà quý giá mà họ đã tặng cho tôi trong thời gian ngắn ngủi tôi ở bên họ.
Tôi nghĩ về các em học sinh của mình, những người cảm thấy bản thân khác biệt, đặc biệt là những học sinh ít nói của tôi. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm lớn lao là phải giúp các em hiểu (và có thể, quan trọng hơn là giúp các bạn của chúng hiểu) rằng không sao cả khi chúng là chính mình.
Gần đây tôi đã hoàn thành viết nhận xét vào các sổ liên lạc cuối năm. Đây là cuốn sổ sẽ theo từng học sinh khi lên lớp cùng các giáo viên tiếp theo của họ. Tôi đã viết điểm tổng kết, điểm kiểm tra, điểm mạnh và những điểm cần cải thiện của từng học sinh. Khi tôi làm điều này, tôi đặc biệt nghĩ về những học sinh hướng nội của mình. Những người nói không to hơn một lời thì thầm. Những người không phải lúc nào cũng chia sẻ, nhưng năm tháng trôi qua, ít nhất cũng đã bắt đầu khẽ giơ tay. Họ không còn sợ bị sai hoặc bị đánh giá nữa, vì lớp học của chúng tôi là một nơi an toàn, nơi mỗi em đều được trân trọng.
Khi những đứa trẻ ít nói của tôi rời lớp vào ngày cuối cùng của năm học, tôi ước mình có thể bảo vệ chúng khỏi sự nghi ngờ bản thân và cảm giác không được thấu hiểu trong tương lai. Tôi đã nhắn nhủ các em rằng im lặng là siêu năng lực của chúng — và tôi hy vọng chúng sẽ không bao giờ quên điều đó.
Bạn biết không, những người giỏi lắng nghe, biết quan sát và suy nghĩ sâu sắc này có khả năng tạo ra tác động lớn trong lớp học và thế giới. Là một giáo viên, phụ huynh, đồng nghiệp hoặc bạn bè, bạn có thể làm gì để hiểu và trân trọng những điểm mạnh thầm lặng này? Chính hành động đó là món quà quý giá mà bạn trao tặng họ.