Home Cuộc sống Vì sao bạn sống nội tâm? Do gen hay môi trường?

Vì sao bạn sống nội tâm? Do gen hay môi trường?

---
Khi một đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng ý kiến ​​của chúng không đáng được chia sẻ thì khi chúng lớn hơn, chúng cũng trở nên trầm lặng hơn.

by Mai Ly

Chúng ta thường được dạy rằng mỗi cá nhân đều là khác biệt và duy nhất, rằng có các kiểu tính cách khác nhau là một phần của con người. Tuy nhiên, trong xã hội xưa và nay, tính cách nội tâm có thể là một điều khó hiểu đối với nhiều người xung quanh. Trong một xã hội mà những người hướng ngoại hòa đồng đại diện cho vai trò lãnh đạo, nhiều người sống nội tâm thường tự hỏi, thậm chí là dằn vặt bản thân: “Vì sao tôi hướng nội? Tại sao tôi không thể hòa đồng như những người khác? Có vấn đề gì với tôi vậy?”

Điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng liên quan đến sự phát triển của con người: Môi trường nuôi dưỡng khiến con người ta trở thành người hướng nội, hay khi sinh ra là ta đã như thế rồi? Nói cách khác, điều gì khiến bạn trở thành người nội tâm: gen di truyền hay sự giáo dục mà bạn nhận được?

Khoa học nói gì?

Sự khác nhau giữa não bộ của người hướng nội và người hướng ngoại

Các khái niệm “hướng ngoại” và “hướng nội” được đề xuất bởi nhà tâm lý học và cũng là bác sĩ tâm thần người Thụy Sĩ Carl Jung (1875–1961) vào những năm 1920 trong nghiên cứu của ông mang tên “Psychological Types“. Hướng ngoại và hướng nội được ông quan niệm là hai yếu tố cơ bản của tính cách cá nhân.

Nhiều nghiên cứu khoa học từ những năm 1960 đã xác định rằng não của người hướng nội có chức năng khác với não của người hướng ngoại. Ví dụ, người hướng nội có nhiều máu hơn ở các vùng não liên quan đến trí nhớ, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề, trong khi người hướng ngoại có nhiều máu hơn ở các vùng liên quan đến xử lý dữ liệu giác quan. Người hướng nội cũng có hoạt động tế bào thần kinh mạnh hơn trong các vùng não liên quan đến học tập, kiểm soát vận động và cảnh giác.

Môi trường hay gen tạo ra tính cách hướng nội
Liệu chúng ta có hướng nội bẩm sinh? (Drawing Credit: Tana Ososki)

Vào những năm 1960, nhà tâm lý học người Anh gốc Đức Hans Eysenck đã thực hiện các nghiên cứu về sóng não. Ông chỉ ra rằng những người hướng ngoại có mức độ kích thích cơ bản cao hơn những người hướng nội, nghĩa là họ cần nhiều kích thích hơn để có được trạng thái tinh thần thoải mái hoặc bớt cảm giác buồn chán. Ngược lại, những người hướng nội thường cảm thấy bị kích thích quá mức trong những tình huống mà những người hướng ngoại hơn sẽ cảm thấy thú vị hoặc vui vẻ.

Phát hiện về dopamine

Một lý thuyết về khoa học não bộ cho rằng sự khác nhau giữa hướng nội và hướng ngoại có liên quan dopamine – một trong những hormone quan trọng liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể. Năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Đại học Amsterdam đã nghiên cứu các nhóm tình nguyện viên được xác định là người hướng nội và hướng ngoại thông qua một bài kiểm tra tính cách. Trong khi các tình nguyện viên chơi đánh bài, các nhà nghiên cứu đã theo dõi hoạt động ở hai vùng não của họ: hạch hạnh nhân và vùng nhân não nucleus accumbens, cả hai đều gắn liền với sự phấn khích và phần thưởng. Hạch hạnh nhân xử lý các phản ứng cảm xúc, trong khi nhân não nucleus accumbens có liên quan đến cách chúng ta xử lý dopamine, một chất hóa học mà chúng ta sử dụng để xử lý “phần thưởng” và phản ứng tích cực.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được xác định là hướng ngoại có phản ứng mạnh hơn ở hai khu vực đó trong khi chơi, có nghĩa rằng hệ thống não bộ của họ thích tìm kiếm các hoạt động mới lạ như gặp gỡ người mới, thử những điều mới và các dấu hiệu khác của hành vi hướng ngoại. Ngược lại, bộ não hướng nội có thể không thưởng cho những hành vi như vậy, đó là lý do tại sao những người hướng nội có thể cảm thấy ở nhà với một cuốn sách yêu thích thì bổ ích hơn là ra ngoài tham gia các hoạt động câu lạc bộ. Họ thực sự không đạt được mức phấn khích cao như những người bạn hướng ngoại trong các tình huống đó.

Người hướng nội không quan tâm mấy đến các khuôn mặt người

Nhưng có lẽ dopamine không đủ để thuyết phục bạn rằng có thể có sự khác biệt bẩm sinh giữa người hướng nội và người hướng ngoại.

Một nghiên cứu năm 2010 tại Viện Khoa học Sinh học Salk đã tập hợp một nhóm những người hướng nội và hướng ngoại đến những người được đánh giá ở mức trung bình. Sau đó, họ theo dõi phản ứng não bộ của các đối tượng khi họ tiếp xúc với một loạt hình ảnh về các bông hoa và sau đó là một loạt các khuôn mặt người để đánh giá một phản ứng được gọi là “P300”.

P300 (được đặt tên như vậy vì nó xảy ra trong vòng 300 mili giây đầu tiên sau khi tiếp xúc với các kích thích mới) là phản ứng vô thức của não người khi gặp thông tin mới, đột ngột, chẳng hạn như hình ảnh lạ hoặc âm thanh lớn.

Các thử nghiệm cho thấy rằng những người hướng ngoại có phản ứng P300 mạnh hơn nhiều với khuôn mặt người, thể hiện một bước nhảy sắc nét hơn nhiều khi hiển thị khuôn mặt người mới so với khi họ xem hình ảnh một bông hoa mới. Ngược lại, những người hướng nội có phản ứng P300 giống nhau khi xem hình ảnh khuôn mặt và xem những bông hoa. Điều này ngụ ý rằng đối với người hướng nội, những khuôn mặt ngẫu nhiên (và những con người gắn liền với chúng) có giá trị tương tự như những bông hoa.

Người hướng nội yêu thích việc lên kế hoạch

Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy ngay cả mô hình lưu lượng máu bên trong bộ não hướng nội và hướng ngoại cũng khác nhau. Bộ não của những người hướng nội có lưu lượng máu lớn hơn qua thùy trán và đồi thị trước – những khu vực liên quan đến việc lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, nhớ lại quá khứ và những điều thú vị khác mà bạn có thể làm một mình trong phòng. Trong khi đó, não của những người hướng ngoại có xu hướng tập trung máu vào đồi thị sau, màng não trước và thùy thái dương – những khu vực giúp chúng ta giải thích dữ liệu mà các giác quan của chúng ta tiếp nhận từ thế giới bên ngoài. Điều đó có nghĩa là bộ não hướng nội và hướng ngoại ưu tiên các chức năng khác nhau.

Vậy là chúng ta hướng nội bẩm sinh?

Phản ứng của não bộ của chúng ta có thể được định hình bởi những thứ chúng ta tiếp xúc sớm trong cuộc sống, vì vậy những nghiên cứu trên đây không cho ta một kết luận hoàn hảo rằng chúng ta sinh ra là người hướng nội hay hướng ngoại. Nhưng một số nghiên cứu về di truyền học tìm thấy một số bằng chứng cho điều này.

Có một số gen liên quan đến việc phản ứng mạnh hơn đối với dopamine. Cùng một nghiên cứu của Đại học Amsterdam cho thấy những người tham gia có gen dopamine cũng chính là những người đã tăng cường hoạt động của não trong khi đánh bạc. Vì vậy, xu hướng hành vi hướng nội hoặc hướng ngoại có thể không chỉ hiện diện trong não của chúng ta; nó thực sự có thể được mã hóa trong gen. Các gen cho phép chúng ta phản ứng mạnh hơn với dopamine có thể hình thành tính cách của chúng ta, khiến chúng ta tìm kiếm những trải nghiệm có nhiều khả năng giải phóng dopamine hơn (hoặc tránh những trải nghiệm không có tác dụng gì đối với bộ não cực kỳ kém dopamine trong trường hợp người hướng nội).

Vai trò của môi trường sống đến tính cách hướng nội

Người ta cũng có thể trở nên hướng nội khi bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh họ. Ví dụ, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những đứa trẻ có mối quan hệ thân thiết với mẹ trong thời thơ ấu có nhiều khả năng trở thành người hướng ngoại hơn những trẻ không có. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ bảo bọc quá mức và những đứa trẻ thường bị kỷ luật bằng hình phạt có nhiều khả năng trở thành người hướng nội hơn.

Khi một đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng ý kiến ​​của chúng không đáng được chia sẻ thì khi chúng lớn hơn, chúng cũng trở nên im lặng hơn.

Những sự kiện xảy ra xung quanh một đứa trẻ cũng có tác động lớn đến cuộc sống tương lai của chúng. Ngay cả một thứ gì đó nhỏ nhặt như việc nghe phải một âm thanh quá lớn cũng có thể gây ra căng thẳng hoặc chấn thương. Nó có thể khiến ai đó thấy cần phải ở một mình, nơi cho họ cảm giác yên bình và sự tĩnh lặng. Như vậy, chấn thương tinh thần cũng có thể khiến một người trở nên hướng nội hơn rất nhiều.

Ngoài ra, những sự kiện đau thương có thể thay đổi rõ ràng cách chúng ta hành động. Ví dụ, nếu một đứa trẻ tiếp xúc với một người rất hung dữ, chúng có thể lớn lên và cảm thấy như chúng cần phải liên tục tự vệ. Hoặc khi một đứa trẻ lớn lên với suy nghĩ rằng ý kiến ​​của chúng không đáng được chia sẻ thì điều này vẫn theo cùng khi chúng lớn hơn, khiến chúng trở nên ít nói hơn.

Đứa trẻ hướng nội ngồi một mình
Môi trường sống cũng ảnh hướng lên xu hướng tính cách của trẻ em và theo chúng khi lớn lên

Một tác động xã hội khác ảnh hưởng đến lối sống nội tâm của một người nào đó là làm theo khuôn mẫu của cha mẹ họ. Khi còn nhỏ, chúng ta học các kỹ năng và niềm tin cơ bản của mình thông qua cha mẹ mình. Nếu một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có cha mẹ hướng nội và chúng quan sát thấy cha mẹ thường thích ở một mình và dành thời gian cho bản thân, chúng cũng học theo điều đó.

Như vậy, tính cách hướng nội phát triển theo thời gian và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường xung quanh.

>>> Xem thêm: COVID-19 đã biến tôi thành người hướng nội

Kết luận

Chúng ta sẽ cần các nghiên cứu sâu hơn nữa về lý do vì sao ta sống nội tâm, và câu trả lời rất có thể sẽ tương tự như hiện tại. Chúng ta có thể sinh ra với một thiên hướng nào đó, nhưng kinh nghiệm sống cũng thường ảnh hưởng hoặc củng cố thêm tính cách thực tế của chúng ta.

Ít nhất thì các nghiên cứu này cũng có ý nghĩa rất lớn, đặc biệt là đối với những người hướng nội – những người thường bị cho rằng họ lựa chọn sống nội tâm, hoặc tệ hơn, đó chỉ đơn giản là biểu hiện của một thái độ sống không tốt. Chúng ta tồn tại trong một xã hội không được tạo ra cho sự hạnh phúc của người hướng nội, và có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để điều đó đổi thay. Nhưng nghiên cứu này có thể giúp bạn bè của bạn hiểu tại sao bạn lại muốn ở một mình trong đêm Giáng sinh thay vì tham gia tiệc tùng cùng họ.

Leave a Comment

CÓ LẼ BẠN CŨNG QUAN TÂM

Đăng ký

Nhận những chiếc mail dễ thương

Cập nhật những bài viết mới nhất, các sự kiện kết nối và thông tin hữu ích cho bạn!


INTROVERT BLOOMS

Blog Magazine về chủ đề người hướng nội (Introvert) – Nơi giúp ta hiểu hướng nội là gì, nơi introvert kết nối và chia sẻ câu chuyện của mình

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed by Introvert Blooms